Dân bị ảnh hưởng bởi đường tránh mỏi mòn chờ hỗ trợ

(PLO)- Dự án đường tránh qua huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai sử dụng nhiều năm nay nhưng việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng vẫn chưa xong, khiến hơn 200 hộ khiếu kiện kéo dài.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tuyến tránh qua huyện Chư Sê (Gia Lai) thuộc dự án đường Hồ Chí Minh dài hơn 10 km do Ban Quản lý dự án 6 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, đã đưa vào sử dụng từ năm 2019. Tuy nhiên, đến nay việc hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người dân bị ảnh hưởng vẫn chưa xong.

Dân mỏi mòn chờ hỗ trợ

Trước đó, tháng 8-2021, UBND huyện Chư Sê lập phương án hỗ trợ đối với các trường hợp được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho 217 hộ tại xã Ia Pal, thị trấn Chư Sê với tổng kinh phí hơn 26 tỉ đồng. Thế nhưng, từ đó đến nay việc hỗ trợ vẫn chưa giải quyết dứt điểm khiến hàng trăm hộ dân khiếu nại kéo dài. Trong số này, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Tuyến tránh Chư Sê hoạt động nhiều năm nay. Ảnh: LK.

Tuyến tránh Chư Sê hoạt động nhiều năm nay. Ảnh: LK.

Bà Nguyễn Thị Chung (58 tuổi, ngụ tổ dân phố 5, thị trấn Chư Sê) phản ánh: “Nhà tôi vẫn còn hơn 200 triệu đồng chưa đền bù, hỗ trợ. Chúng tôi nhiều lần lên huyện, lên tỉnh gửi đơn khiếu nại nhưng các đơn vị cứ hướng dẫn làm đơn đi, làm đơn lại không biết bao nhiêu lần. Chúng tôi cũng đã gửi đơn đến Trung ương rồi. Nhiều lần đi lại vất vả lắm, phải thuê xe đi lại tốn kém. Dân chúng tôi chờ đợi mãi khổ lắm rồi”.

Nhà bà Nguyễn Thị Chung nứt do ở gần sát đường tránh, đang chờ hỗ trợ.

Nhà bà Nguyễn Thị Chung nứt do ở gần sát đường tránh, đang chờ hỗ trợ.

Giữa năm 2022, Bộ GTVT có văn bản đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các đơn vị liên quan cung cấp tài liệu, rà soát công tác bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị thu hồi đất. Bộ GTVT cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 khẩn trương rà soát, báo cáo để giải quyết dứt điểm, tránh khiếu nại, khiếu kiện kéo dài nhưng đến nay vẫn chưa thấy kết quả.

Cũng bị ảnh hưởng bởi tuyến tránh, gia đình ông Nguyễn Công Cúc (65 tuổi, tổ dân phố 5, thị trấn Chư Sê) vẫn chờ đợi hỗ trợ trong mỏi mòn. Ông Cúc bảo: “Người ta cứ lằng nhằng mãi, tiền hỗ trợ vẫn chưa chi trả xong. Gia đình tôi vẫn còn 47 triệu đồng. Tôi và các hộ dân nơi đây làm đơn, ý kiến khắp nơi vẫn chưa được giải quyết. Bà con chúng tôi chỉ mong muốn sớm được hỗ trợ để ổn định cuộc sống”.

Theo ông Cúc, gia đình ông có con trai và hai đứa cháu hiện đang bị bệnh chất độc da cam, hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Lỗi của UBND huyện Chư Sê?

Năm 2022, UBND tỉnh Gia Lai có nhiều công văn đề nghị Ban Quản lý dự án 6 xem xét bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ các hộ dân bị thu hồi đất thuộc dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn tránh qua huyện Chư Sê.

Trước nhiều ý kiến của cử tri, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội Gia Lai cũng đã tổng hợp gửi Văn phòng Chính phủ, Quốc hội về việc. Theo đó, Đoàn đại biểu Quốc hội Gia Lai đề nghị Chính phủ báo cáo và đề nghị Quốc hội bố trí vốn trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 để chi trả kinh phí hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho 217 hộ dân nhằm chấm dứt việc khiếu kiện đông người, kéo dài, tiềm ẩn mất an ninh trật tự tại địa phương.

Người dân mong nhà nước sớm hỗ trợ.

Người dân mong nhà nước sớm hỗ trợ.

Sau khi nhận công văn chuyển từ Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT đã có văn bản trả lời: Bộ GTVT đã rà soát hồ sơ, tài liệu do UBND tỉnh Gia Lai cung cấp và nhận thấy việc áp dụng chính sách giải phóng mặt bằng chưa đúng với quy định dẫn đến phải bổ sung kinh phí là lỗi của UBND huyện Chư Sê.

Do đó, địa phương có trách nhiệm đối với phần kinh phí đề nghị bổ sung vượt tổng mức đầu tư dự án (gần 250 tỉ đồng). Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra nhà nước bảo đảm tuân thủ quy định.

Bộ GTVT cho rằng về đề xuất bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ rất hạn hẹp. Vốn tập trung chủ yếu cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo các nguyên tắc, tiêu chí của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nên không có khả năng cân đối bố trí.

Một cán bộ huyện Chư Sê xác nhận địa phương đang chờ vốn của Trung ương, hiện vẫn chưa có vốn hỗ trợ cho các hộ dân. PV đã liên hệ qua điện thoại đăng ký làm việc với bà Rmah H'Bé Nét, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê, để tìm hiểu thêm sự việc trên nhưng chưa có phản hồi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm