Tưởng như đã mất tất cả
Máy bay chiến đấu của liên quân oanh kích lực lượng IS nhằm giải vây cho Kobani (Ảnh: Reuters)
Thành phố này đã trở thành trung tâm sự chú ý của cả thế giới sau khi 180.000 người Syria, chủ yếu là người Kurd chạy nạn đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia này đã quyết định đóng cửa biên giới vì lo ngại bất ổn nảy sinh bởi cộng đồng người Kurd thiểu số với người Thổ Nhĩ Kỳ.
Lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo gần như đã chiếm được Kobani sau khi cắm cờ của mình ở phía đông thành phố. Nhưng cũng kể từ đó, lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu tăng gấp đôi cường độ oanh kích vào các cứ điểm của IS bên ngoài Kobani nhằm giải vây cho lực lượng dân quân người Kurd đang tử thủ tại đây.
Ông Idris Nassan, Phó bộ trưởng ngoại giao của huyện Kobani, nói với Reuters qua điện thoại “Bọn chúng đã bị đẩy lùi ra bên ngoài lối vào thành phố Kobani bởi các cuộc oanh kích và bắn phá liên tiếp của liên quân. Đây là cuộc rút lui lớn nhất của bọn chúng kể từ khi bắt đầu tấn công Kobani. Nó có thể mở đường cho một cuộc phản công lớn từ phía chúng tôi.”
Trước đó, các chiến binh thánh chiến của IS đã tấn công thành phố Kobani từ ba hướng bằng pháo binh bất chấp sự kháng cự quyết liệt từ lực lượng dân quân người Kurd đang tử thủ. Các cuộc giao tranh đẫm máu diễn ra trên đường phố hôm thứ hai và thứ ba trước khi lực lượng IS cắm cờ ở phía Đông.
Các chuyên gia quân sự cho rằng việc quân IS bị đẩy lùi không chỉ bởi các cuộc không kích mà còn nhờ sự kiên cường và thiện chiến của lực lượng dân quân người Kurd.
Tử thủ đến người cuối cùng
Trước đó, cờ đen của IS đã được cắm lên ở phía đông thành phố. Ảnh: Reuters
Ít nhất 412 người, hơn một nửa trong số đó là chiến binh người Kurrd đã bị giết tại Kobani kể từ khi thành phố này bị IS tấn công ba tuần trước.
Dân quân người Kurd quyết "chiến đấu đến người cuối cùng" - Mustafa Ebdi một nhà hoạt động ở Kobani cho biết.
Nhà báo Ozgur Amed người Kurd nói với AFP qua điện thoại từ Kobani rằng hàng ngàn người dân vẫn còn trụ lại thị trấn. "Họ không muốn trở thành người tị nạn. Tinh thần của chúng tôi vẫn còn tốt. Chúng tôi chỉ lo sợ tình hình nhân đạo có thể trở nên tệ hơn."
Trong khi đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói Washington "rất lo ngại" về sự an toàn của người dân vô tội trong thành phố. "Một lần nữa, chúng ta đang thấy tổ chức Hồi giáo cực đoan này không tôn trọng hòa bình. Họ đối xử tàn ác với các dân tộc thiểu số. Đây là điều chúng tôi rất quan ngại".
IS đã bị cáo buộc thực hiện các hành động tàn bạo và diệt chủng trên diện rộng, bao gồm các vụ hành quyết hàng loạt, bắt cóc, tra tấn và ép buộc phụ nữ làm nô lệ.