Theo AP, bà Beryl Howell, Chánh án tòa án liên bang tại Washington D.C, đã ra phán quyết khẳng định tính hợp pháp của yêu cầu luận tội, cũng như yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ phải giao nộp nguyên văn báo cáo điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller về cáo buộc Nga thao túng bầu cử Mỹ 2016.
Theo phán quyết trên, Bộ Tư pháp Mỹ sẽ phải cung cấp toàn văn báo cáo của ông Mueller, bao gồm cả những phần đã bị lược bỏ và bôi đen trước đó cho Ủy ban Tư pháp Hạ viện trước ngày 30-10.
Công tố viên đặc biệt Rober Mueller điều trần trước Quốc hội. Ảnh: GETTY IMAGES
Bộ Tư pháp Mỹ cũng buộc phải cung cấp các chứng cứ và lời khai có liên quan và được nhắc tới trong bản báo cáo Mueller. Theo Bộ Tư pháp, các chứng cứ trên là thông tin duy nhất trong cuộc điều tra của ông Mueller mà các Hạ nghị sĩ chưa được tiếp cận.
Trong phán quyết dài 75 trang của mình, bà Howell đã phủ định hàng loạt các luận điểm của Nhà Trắng về việc không cung cấp tài liệu cho Quốc hội, bao gồm cả luận điểm về giữ gìn sự bí mật. "Sự thật là Bộ Tư pháp và Nhà Trắng đã công khai ngăn chặn nỗ lực thu thập thông tin của Hạ viện", bà này viết.
Phần cuối của phán quyết với chữ ký của bà Howell. Ảnh: TWITTER
Phán quyết của bà Howell được xem là một chiến thắng lớn cho đảng Dân chủ trong nỗ lực điều tra xem liệu Tổng thống Trump có lạm dụng quyền lực của mình hay không. Bản báo cáo của ông Mueller sẽ hé lộ các chi tiết còn thiếu về hành động của ông Trump trong kỳ bầu cử 2016, bổ sung thêm chứng cứ cho cuộc điều tra luận tội.
Theo bà Howell, các tài liệu trên sẽ giúp các nhà làm luật quyết định xem liệu có cần gọi nhân chứng để điều tra, cũng như xem xét các hướng điều tra khác.
Bản báo cáo điều tra của ông Mueller về sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ 2016. Các phần bị bôi đen (lược bỏ) do có thể gây ảnh hưởng đến các vấn đề đang diễn ra. Ảnh: GETTY IMAGES
Phán quyết của bà Howell cũng khẳng định tính chính danh của cuộc luận tội, khi đã bác bỏ những lập luận của Bộ Tư pháp và các Hạ nghị sĩ Cộng hòa cho rằng cần phải có phiên bỏ phiếu chính thức thông qua tại Hạ viện mới có thể tiến hành thủ tục điều tra luận tội tổng thống.
"Ngay cả trong việc luận tội tổng thống, trên thực tế cũng chưa bao giờ cần phải có một nghị quyết của Hạ viện thì mới có thể bắt đầu điều tra luận tội", bà Howell khẳng định.