Tôi liên hệ UBND phường An Thạnh, thị xã Thuận An (Bình Dương) nơi tôi đang cư trú thì được hướng dẫn là địa phương sẽ giúp tôi đăng ký lại việc kết hôn theo mẫu mới. Tuy nhiên, tôi lo ngại việc làm lại giấy đăng ký kết hôn ký ở thời điểm hiện nay sẽ ảnh hưởng đến tài sản chung của vợ chồng tôi đã gầy dựng kể từ khi cưới nhau.
Lê Xuân Sang (Thuận An, Bình Dương)
Luật sư ĐẶNG TRƯỜNG THANH, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Theo quy định ở Nghị định số 158/2005 (về thủ tục đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi), việc kết hôn đã được đăng ký nhưng sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đã bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được thì được đăng ký lại. UBND cấp xã, nơi đương sự cư trú hoặc nơi đã đăng ký trước đây thực hiện việc đăng ký lại. Do đó ông bà có thể đăng ký lại việc kết hôn tại UBND phường An Thạnh (thị xã Thuận An) nơi ông bà đang cư trú theo như hướng dẫn của cán bộ tư pháp phường. Người có yêu cầu đăng ký lại phải nộp tờ khai (theo mẫu quy định).
Trong trường hợp đăng ký lại tại UBND cấp xã, không phải nơi đương sự đã đăng ký hộ tịch trước đây, thì tờ khai phải có xác nhận của UBND cấp xã, nơi đã đăng ký hộ tịch về việc đã đăng ký; trừ trường hợp đương sự xuất trình được bản sao giấy tờ hộ tịch đã cấp hợp lệ trước đây. Chủ tịch UBND cấp xã ký và cấp cho người đi đăng ký một bản chính giấy tờ hộ tịch theo từng loại việc. Các giấy tờ hộ tịch cũ liên quan đến sự kiện hộ tịch đăng ký lại (nếu có) được thu hồi và lưu hồ sơ.
Khi đăng ký lại, nếu người đi đăng ký lại xuất trình bản sao giấy tờ đã cấp hợp lệ trước đây thì nội dung kết hôn (khai sinh, khai tử, nhận nuôi con nuôi) được ghi theo nội dung của bản sao giấy tờ hộ tịch đó. Do đó, dù có đăng ký lại việc kết hôn, theo Nghị định 158 thì quan hệ hôn nhân vẫn được công nhận kể từ ngày đã đăng ký kết hôn trước đây, hoàn toàn không ảnh hưởng đến tài sản chung của vợ chồng đã tạo lập trong suốt thời kỳ hôn nhân từ trước.
TRÂN CHÍNH ghi