Với nhiều nhà phân tích chính trị, cuộc đảo chính không thật sự bất ngờ, vì quân đội và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã căng thẳng lâu nay.
Cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ thất bại, không chỉ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan giữ được quyền lực mà cuộc chiến chống khủng bố của liên quân do Mỹ dẫn đầu cũng được cứu khỏi một bàn thua trông thấy. Vì theo nhiều chuyên gia, một khi chính phủ Tổng thống Erdogan sụp đổ, cuộc chiến chống khủng bố vốn dĩ đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn sẽ phải gặp thêm nhiều trở ngại.
Cựu đại sứ Mỹ tại Iraq Christopher Hill (2009-2010) hiện là hiệu trưởng Trường nghiên cứu quốc tế Josef Korbel tại ĐH Denver (Mỹ) cũng đồng ý rằng diễn biến đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ có ảnh hưởng lớn đến cuộc chiến chống khủng bố nói chung và chống IS nói riêng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) nhanh chóng khẳng định ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc đảo chính. (Ảnh: NDTV)
Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh rất quan trọng với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Năm 2015, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý cho Mỹ sử dụng căn cứ không quân Incirlik cách biên giới với Syria chỉ 60 km về phía nam để không kích khủng bố ở Syria và Iraq. Mỹ có nhiều máy bay tấn công A-10, nhiều máy bay không người lái cùng nhiều xe tăng KC-135 tại căn cứ Incirlik.
Từ khi được sử dụng căn cứ Incirlik, số vụ không kích khủng bố tại Iraq, Syria của Mỹ tăng hơn hẳn vì thuận lợi hơn, trước đó máy bay Mỹ phải cất cánh từ Iraq hay từ các nước đồng minh Ả Rập sang Syria.
Bên cạnh đó, Mỹ còn được Thổ Nhĩ Kỳ cho phép sử dụng căn cứ không quân Diyarbakir phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, căn cứ không quân Izmir cách Istanbul hơn 300 km về phía tây nam. Ngoài ra còn có căn cứ hải quân Aksaz trên bờ biển Aegean.
Hồi tháng 4 nhiều quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng họ còn có kế hoạch triển khai một hệ thống tên lửa di động tên HIMARS đến Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.
Nếu cuộc đảo chính mà thành công, không chắc Mỹ còn được cho phép sử dụng các căn cứ không quân này. Nếu vậy thì đây sẽ là một mất mát rất lớn với cuộc chiến chống IS hiện nay.
Đảo chính nhanh chóng kết thúc và phần thắng thuộc về Tổng thống Erdogan, tuy nhiên người mừng nhất có lẽ là Tổng thống Obama. Vì theo ông Christopher Hill, nếu đảo chính kéo dài sẽ rất bất lợi cho Mỹ, theo luật thì Mỹ không được phép duy trì quân đội ở Thổ Nhĩ Kỳ trong thời điểm đảo chính.
Đây là lý do tại sao mà ngay khi có tin về cuộc đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gấp rút điện đàm bàn bạc với nhau, rồi Tổng thống Obama nhanh chóng ra tuyên bố phản đối đảo chính, khẳng định ủng hộ Tổng thống Erdogan.
Cuộc đảo chính đã thất bại, tuy nhiên nó vẫn sẽ có tác động tiêu cực đến cuộc chiến chống khủng bố, theo chuyên gia Eric Bordenkircher tại Trung tâm Phát triển Trung Đông thuộc Viện ĐH UCLA (Mỹ).
Theo ông Bordenkircher, tình hình chính trị hỗn loạn của Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ khiến nhiều nước xem lại quan hệ quân sự với nước này. Ông cũng khuyến cáo quân đội Mỹ cân nhắc xem có nên tiếp tục hợp tác quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ hay không.
Nhận định này không sai khi Washington Post (Mỹ) dẫn lời một số quan chức quốc phòng Mỹ không nêu tên cho biết ngay sau khi có tin đảo chính họ đã vào cuộc xác định ảnh hưởng của nó với việc hiện diện quân sự của Mỹ trên đất Thổ Nhĩ Kỳ cũng như với chiến dịch chống khủng bố Mỹ dẫn đầu.
Bên cạnh đó, Giám đốc dự án Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Chính sách Brookings (Mỹ) Kemal Kirisci nhận định chi nhánh IS ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lợi dụng tình hình bất ổn ở Thổ Nhĩ Kỳ để gia tăng khủng bố, lôi kéo sự chú ý của liên quân chống khủng bố ra bớt địa bàn Syria.