Cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ đã thất bại. Sáng 16-7, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố đã trấn áp phe đảo chính.
Tuy nhiên phe đảo chính là các tướng lĩnh quân đội vẫn tuyên bố sẽ chưa chịu thua.
Cuộc đảo chính quân sự là kết quả của chủ trương làm suy yếu quyền lực quân đội của Tổng thống Erdogan, theo CNN (Mỹ).
Ông Erdogan là người đồng sáng lập đảng cầm quyền Công lý và Phát triển (AKP) năm 2001, lên làm thủ tướng từ năm 2003 với lời hứa sẽ thúc đẩy tự do, chấm dứt nghèo đói và tham nhũng.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố chính phủ đã trấn áp đảo chính, tại Istanbul sáng 16-7. (Ảnh: GETTY IMAGES)
Nhìn từ bên ngoài, Thổ Nhĩ Kỳ là một nước hiện đại với một hệ thống chính trị và đảng phái khá tương tự với các nước châu Âu và Bắc Mỹ khác, tuy nhiên nhìn sâu vào bên trong diễn biến chính trị thì Thổ Nhĩ Kỳ không hẳn thế.
Ông Erdogan hết nhiệm kỳ thủ tướng theo hiến pháp năm 2014 và chạy đua vào ghế tổng thống. Trước khi ông Erdogan lên làm tổng thống năm 2014 thì vị trí này trong chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là vị trí biểu tượng. Ông Erdogan đã cố gắng thay đổi điều đó bằng cách sửa đổi hiến pháp cho mình nhiều quyền lực hơn.
Đảng AKP cầm quyền chủ trương làm suy yếu quân đội. Thời gian làm thủ tướng ông Erdogan đã làm rất tốt mục tiêu này.
Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời thủ tướng Erdogan phát triển thành một cường quốc ở Trung Đông, trở thành hình mẫu của Trung Đông cũng như thế giới Hồi giáo, đã đón tiếp rất nhiều lãnh đạo phương Tây đến thăm và phát triển quan hệ.
Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ dần phát triển dưới thời Thủ tướng Erdogan. Trong vài năm, đầu tư nước ngoài vào Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua tổng đầu tư nước ngoài từ khi Thổ Nhĩ Kỳ thành lập đến năm 2000. Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu kích hoạt thương lượng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2004, góp phần gây rạn nứt giữa chính phủ cầm quyền và quân đội.
Kinh tế tăng trưởng và thân thiết với EU đã làm tăng uy tín ông Erdogan nhưng lại xói mòn sức mạnh của quân đội. Trong lúc này, đảng AKP lại thừa cơ đẩy mạnh nỗ lực làm suy yếu quân đội. Nhiều tướng lĩnh bị giảm quyền lực, nhiều quan chức quân đội chống đối chính phủ bị bắt. Chưa hết, hàng trăm quan chức quân đội cấp cao cũng ngã ngựa vì cuộc chiến chống tham nhũng của ông Erdogan.
Trước cuộc đảo chính ngày 15-7, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã từng ba lần đảo chính vào các năm 1960, 1971 và 1980, cũng vì các chính phủ trước muốn làm suy yếu quân đội.
Quân đội chưa phải là mục tiêu duy nhất trong cuộc tấn công của AKP nhắm vào thành phần có ảnh hưởng đến chính trị. Ngoài quân đội AKP nhắm đến, thâu tóm hoặc làm suy yếu các thế lực kinh tế trong nước, bắt đầu từ các đế chế truyền thông, viễn thông, năng lượng, hệ thống bán lẻ… Đây là một phần lý do vì sao năm 2015 là năm của biểu tình chống chính phủ ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài quân đội, AKP còn có xung đột lớn với phong trào Gulen, một phong trào tôn giáo rất có ảnh hưởng trong chính trị Thổ Nhĩ Kỳ.
Người sáng lập phong trào Gulen là Giáo sĩ Fethullah Gulen - hiện sống ở Mỹ, rất có ảnh hưởng trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ ở nhiều mặt như giáo dục, nghệ thuật, tôn giáo, chính trị, khoa học.
Giáo sĩ Fethullah Gulen, lãnh đạo phong trào Gulen hiện đang sống tại Mỹ. (Ảnh: BUGUN)
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ảnh hưởng của đảng AKP của Tổng thống Erdogan chưa chắc lớn bằng ảnh hưởng của phong trào Gulen. Ảnh hưởng của phong trào Gulen len lỏi không chỉ người dân mà còn mọi thành phần, cơ quan kể cả những cơ quan đầu não của bộ máy nhà nước, quốc hội, quân đội, đặc biệt trong ngành cảnh sát và tư pháp.
Sức ảnh hưởng củaphong trào Gulen còn lan ra ngoài Thổ Nhĩ Kỳ khi phong trào này mở hơn 1.000 ngôi trường Gulen trên toàn thế giới, nhiều nhất là ở Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.
Vì xung đột với đảng AKP, phong trào Gulen đã thực hiện động tác môi giới chính trị, giúp thành lập một liên minh chống AKP từ các phe nhóm chống chính phủ.
Có thông tin lúc đầu ông Erdogan cũng nhờ ảnh hưởng của Phong trào Gulen để lên làm thủ tướng. Nhưng sau khi có quyền lực rồi thì ông Erdogan lại lo ngại phong trào này nên tìm cách dập tắt và phong trào Gulen vào cuộc phản pháo.
Dễ hiểu tại sao Tổng thống Erdogan đã nhanh chóng chỉ đích danh phong trào Gulen đứng đằng sau, kích thích quân đội thực hiện cuộc đảo chính vừa rồi, tuy nhiên phong trào này đã lên tiếng bác bỏ.