Đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ: NATO, Mỹ ủng hộ Tổng thống Erdogan

Cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ đến lúc này vẫn chưa ngã ngũ. Cả hai bên quân đội và chính phủ đều tuyên bố nắm quyền kiểm soát đất nước nhưng các tuyên bố này chưa được xác minh. Trong lúc này, cộng đồng thế giới đã có phản ứng về cuộc đảo chính.

Người phát ngôn LHQ Farhan Haq cho biết LHQ đang cố gắng làm rõ tình hình đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ và kêu gọi các bên kiềm chế. Tổng Thư ký LHQ Ban KI-moon cũng đang theo dõi chặt diễn biến.

Ba giờ sau cuộc đảo chính, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết NATO đang theo dõi chặt diễn biến, khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một "đồng minh giá trị” của NATO, kêu gọi các bên ở Thổ Nhĩ Kỳ bình tĩnh và kiềm chế, tôn trọng hiến pháp và dân chủ.

Hiệp ước Washington của NATO ký năm 1949 không có điều khoản cho phép NATO can thiệp vào chuyện nội bộ của nước thành viên.

Xe tăng quân đội trên đường phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 15-7.

Xe tăng quân đội trên đường phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 15-7. (Ảnh: GETTY IMAGES)

Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố ủng hộ chính phủ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, kêu gọi các đảng phái ở Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ chính phủ.

Người phát ngôn chính phủ Đức tuyên bố trên mạng xã hội, kêu gọi các bên tôn trọng trật tự dân chủ, các bên phải chú ý không để bạo lực làm tổn thất nhân mạng người dân.

Tại Anh, Ngoại trưởng Boris Johnson cũng cho biết ông cực kỳ quan ngại về tình hình đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ. Anh đề nghị người dân tại Thổ Nhĩ Kỳ thận trọng, tránh các nơi tụ tập đông người.

Người phát ngôn chính phủ Nga Dmitry Peskov họp báo cho biết tình hình diễn biến quá nhanh và ông chưa thể hiểu được hoàn toàn điều gì đang xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nga rất lo ngại diễn biến ở Thổ Nhĩ Kỳ, muốn Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng được ổn định và trật tự theo luật pháp.

Theo ông Dmitry Peskov, Tổng thống Vladimir Putin liên tục cập nhật tình hình. Nga đã chỉ đạo phái đoàn ngoại giao giúp đỡ đưa công dân Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ về nước càng sớm càng tốt.

Tại nước láng giềng Hy Lạp, quân đội và cảnh sát họp khẩn, theo dõi chặt vụ đảo chính. Quân đội Hy Lạp được đặt vào tình trạng sẵn sàng cao.

Phản ứng của nước láng giềng Syria thì có phần ngược lại. Hàng trăm người đổ ra đường phố sáng sớm 16-7, vẫy cờ hò reo, hoan nghênh cuộc đảo chính. Các cuộc ăn mừng tương tự cũng diễn ra tại các TP phe chính phủ Syria kiểm soát.

Điều này dễ hiểu vì chính phủ Syria cáo buộc Tổng thống Erdogan đổ dầu vào lửa nội chiến Syria khi ủng hộ phe nổi dậy và cho phép phần tử thánh chiến nước ngoài vào Syria qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ. Với nhiều người dân ủng hộ chính phủ Syria thì việc ông Erdogan bị lật đổ sẽ kết thúc khủng hoảng nội chiến Syria.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm