Ghi nhận cho thấy ý thức của người dân đã được nâng cao, mọi người đang cố gắng mua các thiết bị PCCC, chấn chỉnh tác phong, lối ăn ở trong các cao ốc. “Dù có hơi muộn nhưng hy vọng ý thức này duy trì được lâu, đừng làm theo phong trào rồi lại bừa bãi đâu vào đấy”, “Ở chung cư phải cẩn trọng hơn gấp bội, một người vì mọi người” - bạn đọc bình luận.
Bên cạnh đó, câu hỏi về trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản lý, ban quản trị, trong đó lực lượng bảo vệ các chung cư vẫn được nhấn mạnh. Bạn đọc vừa tức giận vừa tiếc nuối: “Nếu có bảo vệ quan sát màn hình camera liên tục, phát hiện sớm đốm cháy nhỏ, thảm họa đã không xảy ra. Đau đớn!”, “Hệ thống báo cháy không hề hoạt động, vì đâu nên nỗi?”. Bạn Tongon khẩn khoản: “Đừng để xảy ra lần thứ hai. Trách nhiệm là của tất cả, không riêng gì ai”.
Một em bé sinh sống tại chung cư Carina. Ảnh: Nguyễn Trà
Trong tuần qua, một sự việc không mới nhưng lần nào đưa ra cũng nhận được ý kiến tranh luận sôi nổi, đó là có nên hợp pháp hóa nghề mại dâm hay không. Đa số ý kiến phản đối, cho rằng việc này vi phạm thuần phong mỹ tục, tiềm ẩn nhiều hệ lụy cho xã hội. Tuy nhiên, không ít ý kiến nhận định “mại dâm giúp người ta giải quyết nhu cầu căn bản và chính đáng theo cách ít gây hại hơn những cách khác như xâm hại, hiếp dâm. Đừng lấy cớ đạo đức để lảng tránh thực tế một cách vô ích”. Bạn LXL thì nói: “Cấm nhưng nó vẫn tồn tại muôn đời nay thì phải cấp phép chứ sao. Cấp như thế nào, ở đâu thì nên học hỏi thế giới. Thương mại hóa công khai, còn kiểu dấm dúi chỉ có hại cho các bên tham gia”.
Một vụ việc hy hữu trong ngành giáo dục, cô giáo lên lớp mà không hề giảng bài, trò chuyện với học sinh trong suốt bốn tháng khiến dư luận ngỡ ngàng “không thể tin nổi”. Đa số bình luận đều chê trách hành động của cô giáo, vừa không đúng phương pháp sư phạm vừa không có tình cảm thầy trò. Có bạn đọc đề nghị: “Nếu thấy không phù hợp, cô nên tự chọn nghề khác. Dù với nguyên nhân gì, đối xử với học sinh như vậy cô hẳn không thể thích hợp với môi trường này”.
Trong tuần bạn đọc đặt nhiều quan tâm vào kỳ đại hội VFF sắp tới và những cá nhân có ảnh hưởng với bóng đá Việt Nam. Bài viết “Sau bầu Hiển, bầu Đức, còn ai đam mê bóng đá?” đã nêu được nỗi lo chung của người hâm mộ. Nhiều ý kiến cho rằng “Bóng đá Việt muốn phát triển thì các chức danh VPF, VFF phải do các câu lạc bộ bầu lên. Rất cần những người tận tâm như bầu Đức”, “Quá nhiều bê bối ở VFF, vì sao đến nay chưa nghe tiếng nói của cơ quan chủ quản?”.