ĐB Nguyễn Tri Thức: 1 ca ghép thận kéo dài 7-8 tiếng nhưng kỹ thuật viên chính chỉ nhận 280.000 đồng

(PLO)- Theo Đại biểu Nguyễn Tri Thức, chính sách đãi ngộ với đội ngũ y tế chưa được quan tâm, chẳng hạn một ca ghép thận kéo dài 7-8 tiếng nhưng ekip bảy người chỉ nhận được thù lao 1,4 triệu đồng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 23-5, phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) đề cập đến chính sách đãi ngộ cho nhân viên y tế hiện nay đã thay đổi như thế nào, tăng được bao nhiêu tiền lương đối với lực lượng này?

Ngoài ra, đại biểu Lan cũng nhìn nhận thực trạng “chúng ta có tiền nhưng mua vaccine, mua thuốc hay vật tư thiết bị y tế không được vì... sợ đi tù”. Hoặc tình trạng thiếu thuốc, thiếu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng cũng mới chỉ khắc phục được một phần.

pham-khanh-phong-lan.jpg
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: QH

Dẫn chứng, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói với chính sách bảo hiểm, khi người bệnh dùng sai ở chỗ nào là ngay lập tức chúng ta tất toán, bắt đền để lấy lại ngay, thậm chí có thể phải đi tù.

“Lẽ ra con em, người dân phải được hưởng chính sách từ chương trình tiêm chủng mở rộng nhưng khi đó hết vaccine và đến kỳ đến đợt nên họ phải đi tiêm dịch vụ. Vậy tiền người dân bỏ ra ai sẽ trả lại?” – bà Lan nói và cho biết đã chất vấn vấn đề này khi họp toàn thể của Ủy ban Xã hội.

“Bảo hiểm thì đổ cho y tế chưa thấy đưa qua, y tế thì sàng qua sàng lại và cuối cùng người dân phải chịu thiệt” – bà nói và cho rằng chúng ta vận động, kêu gọi để ngày càng có nhiều người dân tham gia bảo hiểm y tế nhưng khi tham gia rồi họ vẫn phải bỏ tiền túi chi trả những dịch vụ mà đáng ra được miễn phí.

“Chúng ta không thể lờ đi quyền lợi của người dân” – bà Lan nhấn mạnh và đề nghị tính toán để người yếu thế trong xã hội được bảo vệ tốt nhất có thể.

ĐB Nguyễn Tri Thức: 1 ca ghép thận kéo dài 7-8 tiếng nhưng kỹ thuật viên chính chỉ nhận được 280.000 đồng
Đại biểu Nguyễn Tri Thức nêu thực tế về các chính sách đãi ngộ cho nhân viên y tế. Ảnh: QH

Ở một khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (đoàn TP.HCM) cho biết tay nghề của các bác sĩ Việt Nam hiện nay có thể nói là khá cao, thậm chí đạt trình độ thế giới.

Đơn cử như kỹ thuật ghép tạng vốn là đỉnh cao của khoa học y học. Kỹ thuật này gồm bốn bước là vận động hiến tạng, kỹ thuật ghép, hồi sức cấp cứu sau ghép, cuộc sống xã hội sau đó của người được ghép. Trong đó bước vận động hiến tạng tưởng đơn giản nhưng thực tế rất phức tạp và Việt Nam đang đi rất chậm so với thế giới.

“Ở các nước tiên tiến tỉ lệ ghép từ người cho chết não rất cao, còn ở những nước đang phát triển thì ngược lại tỉ lệ từ người hiến sống là cao” – ông nói và cho biết xu thế của thế giới hiện nay là ghép tạng là từ người chết não

Đại biểu Nguyễn Tri Thức chia sẻ: “Vừa qua Thủ tướng, Bộ Y tế tổ chức một lễ vận động hiến tạng từ người cho chết não và do thủ tướng chủ trì. Điều này đã tạo ra hiệu ứng, tiếng vang lớn trong ngành ghép tạng của Việt Nam”.

Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ chính sách đãi ngộ với đội ngũ y tế chưa thực sự được quan tâm. “Một ca ghép thận gồm bảy người nhưng nhận được thù lao chỉ 1,4 triệu đồng cho cả ekip, trong đó kỹ thuật viên chính được nhận 280.000 đồng” – ông Nguyễn Tri Thức dẫn chứng và cho hay một ca ghép thận kéo dài 7-8 tiếng, thậm chí hơn.

Một vấn đề khác, đại biểu Nguyễn Tri Thức cho biết tình hình giải ngân của gói phục hồi kinh tế - xã hội với nguồn tăng thu trong ngành y tế còn rất chậm.

Theo báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 43 thì giải ngân của ngành y tế chỉ chiếm 1,7%.

“Tôi mong Thủ tướng và Bộ Y tế quan tâm đến việc giải ngân, mua sắm thiết bị để hỗ trợ, phục vụ cho các bệnh viện” – ông Nguyễn Tri Thức kiến nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm