ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: 'Sản phẩm thuốc lá nào cũng cần có luật quản lý

(PLO)- Cần phải có những khung pháp lý, các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp nhất để quản lý thuốc lá thế hệ mới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chia sẻ trong khuôn khổ tọa đàm "Thuốc lá thế hệ mới: Đủ điều kiện quản lý ngay theo Luật hiện hành" do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức (ngày 18-4), bà Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch hội Dược học Việt Nam cho rằng cần quy định quản lý rõ ràng đối với thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, gián tiếp giảm thiểu tác hại của thuốc lá với cộng đồng.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại tọa đàm do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức sáng 18-4-2023.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại tọa đàm do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức sáng 18-4-2023.

Quyền tiếp cận thuốc lá hợp pháp

- Theo bà, nên chăng cung cấp hợp pháp các sản phẩm giảm tác hại như thuốc lá làm nóng (TLLN), thuốc lá điện tử (TLĐT) thay thế thuốc lá điếu để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng chính là người hút thuốc?

+ ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Chúng tôi, đại biểu Quốc hội khóa 13, cũng là những người bấm nút thông qua Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL), đều hiểu rằng: Trong tất cả những cái xấu, chúng ta chọn cái đỡ xấu nhất. Đương nhiên điều kiện lý tưởng là làm sao để chúng ta bỏ luôn thuốc lá, nhưng đây là điều không thể thực hiện trong khoảng thời gian trước mắt. Cho nên chúng ta chấp nhận giải pháp là phải phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Chúng ta gọi thuốc lá thế hệ mới là các giải pháp giảm tác hại là vì chúng ta đang muốn giảm tác hại cho người hút thuốc so với thuốc lá điếu truyền thống.

Thế nhưng, nếu đã gọi là thuốc lá thì dù truyền thống hay thế hệ mới cũng đều cần được phòng, chống tác hại. Đối người tiêu dùng, chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc nâng cao nhận thức, giúp họ nhận biết tác hại. Khi biết là có hại nhưng họ vẫn chọn sử dụng thì đó là quyền tự do cá nhân. Và quyền tiếp cận thuốc lá là quyền hợp pháp.

Cái chúng ta có thể bảo vệ và can thiệp được với người tiêu dùng là thông qua việc gián tiếp bảo vệ nguồn hàng chính thức, không nhập lậu, không hàng giả, hàng nhái. Chính vì thế, theo tôi dù là sản phẩm thuốc lá nào cũng cần được kiểm soát và có luật quản lý cụ thể, hài hòa giữa quyền lợi người tiêu dùng và các bên liên quan.

Đưa TLTHM vào luật

- Qua chia sẻ của bà, chúng ta xác định là cần phải bảo vệ người dùng bằng cách cung cấp cho họ các nguồn hàng hợp pháp, đã qua kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, hiện nay có khó khăn là các nghị định liên quan không nêu rõ mặt hàng này, cũng như liệu Luật PCTHTL có thể áp dụng hay không khi những sản phẩm này chưa được nêu chi tiết trong luật hiện hành?

+ Chúng tôi chính là những người đã đóng góp ý kiến xây dựng Luật này, năm 2012 thông qua và có hiệu lực từ năm 2013. Thời điểm đó chúng tôi chỉ tranh luận về hai vấn đề: Thứ nhất là, việc áp dụng Luật có khả thi không, khi vi phạm thì cơ quan nào sẽ xử phạt; và Thứ hai là cách giải quyết hàng thuốc lá nhập lậu bị bắt. Lúc đó chúng tôi không cần phải tranh luận về việc sẽ áp dụng Luật này cho thuốc lá truyền thống hay thuốc lá thế hệ mới cả. Đối tượng mà chúng ta cần quản lý là “thuốc lá”, dù là thuốc lá “mới” hay “cũ”.

Khi chúng ta gọi tên TLTHM là đã có chữ “thuốc lá” trong đó, và trong định nghĩa về thuốc lá trong Luật PCTHTL đã ghi rõ, sản phẩm thuốc lá sử dụng nguyên liệu từ thuốc lá – một phần hoặc toàn bộ, và ở dưới các dạng khác nhau (như hút, nhai, ngửi…), đồng thời chốt thêm câu “và các dạng khác”. Như vậy, chúng tôi đã tiên liệu trước, là định nghĩa này đã bao hàm những thay đổi về sản phẩm thuốc lá sẽ phát sinh trong tương lai. Và đúng là sau 10 năm Luật này được thông qua, rõ ràng sản phẩm thuốc lá đã phát triển dưới rất nhiều hình thức gọi là TLTHM. Cho nên, nếu nói về căn cứ pháp lý thì chúng ta đã có sẵn Luật PCTHTL hiện hành, vấn đề còn lại chúng ta phải mạnh dạn hơn trong việc áp dụng Luật này để quản lý tất cả các loại thuốc lá.

Ngoài ra, nên có những giải thích về từ ngữ rõ ràng, cụ thể hơn trong các Nghị định và Thông tư để hướng dẫn thi hành luật, tránh xảy ra tình trạng như hiện nay: Các cơ quan chức năng vẫn chưa yên tâm, nhìn vào Luật cứ cảm giác là còn thiếu.

Kết luận lại, theo tôi, các cơ quan chức năng cần triệt để hơn nữa trong việc quản lý mặt hàng này. Muốn như vậy phải có những khung pháp lý, những văn bản quy phạm pháp luật phù hợp nhất. Đó chính là Nghị định thay thế Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá, bao gồm cả TLTHM.

- Hiện có ý kiến cho rằng chúng ta nên đánh thuế cao với các mặt hàng thuốc lá, dù thuốc lá điếu hay TLTHM để giảm nhu cầu sử dụng. Bà có thể chia sẻ quan điểm của bà về vấn đề này?

+ Thuế là một trong những biện pháp để người ta bớt sử dụng thuốc lá. Bên cạnh việc khó tiếp cận đến sản phẩm hơn (không dễ dàng mua thuốc lá ở bất kỳ nơi nào), thì giá cả không thể quá rẻ để bất cứ người có thu nhập như thế nào cũng mua được. Tuy nhiên, tôi băn khoăn một điều, đó là điều này dẫn đến hệ lụy là phát triển hàng nhập lậu.

Chúng ta đang làm việc ở môi trường đan xen, chúng ta không thể so sánh mình với các quốc gia khác khi người ta kiểm soát hàng nhập lậu tốt hơn hoặc không có nguồn nhập lậu. Nhưng với điều kiện địa lý như chúng ta, nếu tăng thuế chưa chắc nhà nước đã thu được nhiều thuế hơn, chưa chắc người tiêu dùng sẽ khó tiếp cận thuốc lá hơn. Bởi lẽ thay vì tiếp cận với sản phẩm thuốc lá chính thống từ những nhà sản xuất có nộp thuế và đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn, thì họ sẽ sa đà vào hàng lậu với mức giá rất rẻ. Việc này xảy ra cả với thuốc lá truyền thống và TLTHM. Theo tôi việc tăng thuế là lợi bất cập hại.

Do đó, theo tôi các chính sách để giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở người dân cần được tiến hành đồng bộ. Nếu chỉ tăng thuế thôi thì đó không phải là giải pháp tối ưu.

Xin cảm ơn bà.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm