Để 1.000 m3 gỗ công sản mục nát

(PLO)- Sau khi xác lập sở hữu nhà nước 1.000 m3 gỗ, các cơ quan liên quan đã thiếu trách nhiệm, để số gỗ mục nát, hư hỏng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Đắk Lắk vừa kỷ luật bà Lê Thị O, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh này, vì liên quan đến việc để 1.000 m3 gỗ bị mục nát.

Số gỗ mục nát đang được giữ gần trụ sở UBND thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp. Ảnh: VŨ LONG

Số gỗ mục nát đang được giữ gần trụ sở UBND thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp. Ảnh: VŨ LONG

Không bán được gỗ còn tốn tiền kiểm đếm

Năm 2011, UBND huyện Ea Súp đồng ý để doanh nghiệp (DN) tư nhân Phước Lợi trục vớt hơn 1.000 m3 gỗ (từ nhóm II đến VII và nhóm IIA) tại lòng hồ Ea Súp Hạ.

DN vớt được hơn 100 m3 gỗ bằng lăng, gần 250 m3 gỗ căm xe, hơn 340 m3 gỗ dầu và theo định giá là gần 2 tỉ đồng.

Theo ông Nguyễn Phi Khanh, Giám đốc DN tư nhân Phước Lợi, sau khi trục vớt số gỗ nói trên, công ty không còn kinh phí để trông coi. Tháng 6-2014, ông Khanh có trình báo cho UBND huyện Ea Súp tiếp nhận tài sản nói trên. Sau đó, Trung tâm Bán đấu giá tài sản Đắk Lắk nhiều lần giảm giá số gỗ này nhưng không có người mua.

UBND huyện Ea Súp đã mời Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk thực hiện định giá lại số gỗ trục vớt ở lòng hồ Ea Súp Hạ và được UBND tỉnh phê duyệt giá khoảng gần 1 tỉ đồng. “Dù đã hạ giá vẫn không có người mua. Số gỗ này sau đó chúng tôi gửi vào nhà của một hộ dân ở thị trấn Ea Súp” - ông Khanh cho hay.

Theo tìm hiểu, toàn bộ số gỗ nói trên được cất giữ tại vườn gia đình bà Phùng Thị Hương (thôn 7, thị trấn Ea Súp). Số gỗ này phơi nắng mưa làm gỗ bị mục nát, hư hỏng gần hết.

Tháng 9-2021, UBND huyện Ea Súp đã chi hơn 114 triệu đồng để kiểm đếm, xác định lại khối lượng số gỗ nói trên.

Sau đó, huyện đưa toàn bộ số gỗ mục nát gần hết này đến bãi đất trống gần UBND thị trấn Ea Súp.

Một người chuyên mua gỗ cho rằng số gỗ này chỉ còn giá trị đốt lấy than.

Một người chuyên mua gỗ cho rằng số gỗ này chỉ còn giá trị đốt lấy than.

Một số người buôn bán gỗ cho rằng số gỗ này không còn giá trị để bán. “Nếu bán dùng để đốt lấy than củi may ra còn có người mua. Hơn nữa, bán tài sản nhà nước là bán cùng một lô, tôi cho rằng rất khó có người mua” - ông Trần Ngọc L (ngụ thị trấn Ea Súp) cho biết.

Hơn 10 năm phơi nắng, phơi mưa, 1.000 m3 gỗ mục nát, hư hỏng gần hết và huyện còn phải chi hơn 114 triệu đồng để kiểm đếm, xác định lại khối lượng.

Bị cảnh cáo vì thiếu trách nhiệm

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp, cho biết ông đã nắm được kết luận của UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk.

“Chúng tôi đang tiếp tục kiểm đếm lại để xin ý kiến của UBND tỉnh xử lý số gỗ còn lại theo hướng bán đấu giá. Cái nào còn bán được thì bán” - ông Nhiệm cho hay.

Ông Nhiệm khẳng định trước đây số gỗ vẫn còn giá trị nhưng nay đã bị mục nát.

Về số gỗ công sản hư hại trên, UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk xác định người phải chịu trách nhiệm liên quan đến 1.000 m3 gỗ bị mục nát là bà Lê Thị O, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính.

UBKT xác định bà O chưa phát huy tốt tinh thần trách nhiệm trong việc ký tờ trình tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với số gỗ trục vớt dưới lòng hồ Ea Súp Hạ. Bà thực hiện việc tiếp nhận, quản lý và bảo quản khối lượng gỗ trục vớt thiếu chặt chẽ, vi phạm quy định, làm thất thoát tài sản nhà nước.

Căn cứ quy định của Đảng, xét nội dung, tính chất, mức độ, tác hại và nguyên nhân vi phạm, UBKT Tỉnh ủy thi hành kỷ luật bà O bằng hình thức cảnh cáo.•

Cảnh cáo chủ tịch công ty để mất rừng

UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng vừa kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Văn Đính, Bí thư chi bộ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Rừng Xanh nhiệm kỳ 2011-2015, Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty giai đoạn từ tháng 1-2012 đến tháng 10-2016. Ông Đính nay đã nghỉ hưu.

Theo kết luận thanh tra, giai đoạn 2012-2016, công ty này đã để các hộ dân lấn chiếm, xâm canh hơn 2.200 ha (trong đó có hơn 1.626 ha rừng tự nhiên)...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm