Để cả du lịch và hàng không đều thắng

(PLO)- Hàng không và du lịch có quan hệ mật thiết với nhau nên để hai ngành cùng “thắng” vào dịp Tết thì cần phải có một “nhạc trưởng”.

Trên số báo trước, Pháp Luật TP.HCM có bài viết “Giá vé máy bay Tết cao, doanh nghiệp du lịch bị động”,trước vấn đề này, các chuyên gia cho rằng giá vé máy bay tăng là một trong những nút thắt khiến du lịch trong nước bị cạnh tranh với những điểm đến ở nước ngoài.

TS PHẠM TRUNG LƯƠNG, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam):

Chính phủ vào cuộc điều tiết giá vé máy bay

Pham-Trung-Luong.jpg

Góc nhìn của ngành hàng không quá ngắn hạn, hơn nữa sự phối hợp giữa hàng không và du lịch còn nhiều bất cập theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Bên cạnh đó, cả hai ngành nên đặt mình vào vị trí của du khách chứ đừng chỉ đặt mình vào vị trí của người cung cấp sản phẩm để có cái nhìn đầy đủ hơn từ mọi phía.

Cụ thể, ngành hàng không và du lịch cần ngồi lại với nhau, đặc biệt là có sự tham gia của Chính phủ. Vì lợi ích chung của nền kinh tế đất nước, Chính phủ vào cuộc với tư cách điều phối giá vé làm sao không quá thấp so với giá sàn hoặc có thể bù lỗ.

Chính phủ lấy lại khoản bù lỗ bằng cách thu thuế từ các điểm bán hàng nội địa khi khách đến các điểm đến. Như bài học của Thái Lan, du khách bỏ 1 đồng đi Thái Lan nhưng chắc chắn sẽ bỏ ra 7-8 đồng để mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí. Làm được điều này, hình ảnh của điểm đến sẽ được du khách ưa thích hơn bởi giá cả hợp lý, thu hút số đông và thu lợi từ nguồn thu này.

PGS-TS NGUYỄN THIỆN TỐNG, chuyên gia hàng không:

Không có đường bay nào chỉ có một hãng khai thác độc quyền

Nguyen-Thien-Tong.jpg

Cả nước hiện có sáu hãng hàng không cạnh tranh và không có đường bay nào chỉ có một hãng khai thác độc quyền. Do vậy, tính cạnh tranh giữa các hãng rất cao, việc xây dựng khung giá vé trong từng giai đoạn cũng bám sát nhau để cạnh tranh khách hàng.

Dữ liệu vé cho thấy trong vòng hai năm gần đây giá sàn sàn như nhau, không tăng đột biến. Dữ liệu qua các năm sẽ giúp các hãng tính toán giá vé, nếu giá vé tăng thì khách hàng sẽ giảm, do vượt quá khả năng chi trả sẽ chuyển sang các phương tiện khác để đi lại. Ngược lại, nếu giá vé phù hợp với khả năng chi trả của khách hàng sẽ tăng lượng khách hàng, khi đó hãng bay có lời.

Nếu các hãng tăng giá vé, khách hàng phản ứng bằng cách chuyển sang phương tiện khác để đi lại, đó là sự thuận mua vừa bán của thị trường.

Ông NGUYỄN VŨ KHẮC HUY, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang:

Kích cầu du lịch, hàng không… thu lại từ chi tiêu

Nguyen-Vu-Khac-Huy.jpg

Giá vé máy bay quá cao thì nhu cầu khách hàng giảm, khi đó bắt buộc các hãng hàng không phải tự điều tiết, giảm giá vé. Tết Nguyên đán thường có mức giá vé cao nhất trong năm, tuy nhiên năm nay qua khảo sát có một số điểm đến lại có mức giá vé khá thấp.

Điều mà chúng ta đang thiếu là sự liên kết sản phẩm và chuỗi cung ứng với nhau. Bởi một chương trình tour đóng vai trò quan trọng nhất là hàng không, sau đó đến lưu trú, ăn uống, vận chuyển, khu vui chơi… Chúng ta nghiêm túc học theo cách làm của Thái Lan, họ có sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà cung ứng dịch vụ, từ hàng không, khách sạn, khu vui chơi, lưu trú, ăn uống để cấu thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn. Cách làm du lịch của Thái Lan rất bài bản và quyết liệt. Họ giảm giá vé máy bay, giá tour, kích cầu du lịch và thu lại từ chi tiêu của du khách khi đến nước này.

P9-bai2-dulichhangkhong-trinh-dien-6h.jpg
Giá vé máy bay quá cao sẽ khiến nhu cầu của du khách giảm. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Vào dịp Tết Nguyên đán 2024 bắt buộc các hãng hàng không cần ngồi lại với doanh nghiệp lữ hành để khảo sát nhu cầu của khách hàng, tìm ra mấu chốt đưa chiến lược về giá phù hợp tại thời điểm đó. Ngoài ra, Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang cùng doanh nghiệp lữ hành đã trao đổi với hãng hàng không nghiên cứu giải pháp và cơ chế điều chỉnh giá vé máy bay.

Ông PHAN ĐÌNH HUÊ, Tổng Giám đốc Công ty Vòng Tròn Việt, chuyên gia tư vấn du lịch ĐBSCL:

Hàng không cần tính chuyện làm ăn lâu dài với du lịch

Phan-Dinh-Hue.jpg

Cách bán vé của hàng không vào kỳ lễ 30-4 vừa qua không phù hợp với quy luật thị trường, như dội gáo nước lạnh vào ngành du lịch.

Công ty du lịch chốt vé sớm để có giá vé tốt, đến giờ cao điểm hàng không lại giảm giá vé máy bay. Về mặt tức thời có thể mang lại giá trị lợi nhuận tốt nhưng về lâu dài “lợi bất cập hại”. Qua đó thấy được hợp tác giữa du lịch và hàng không như giữa đường gãy cánh, khó hợp tác lâu dài được, đặc biệt tạo tâm lý đợi tour và vé ế mới mua của du khách. Doanh nghiệp lữ hành khó lập kế hoạch trước nên ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, thiếu nhân sự phục vụ.

Hàng không nên tính chuyện làm ăn lâu dài với công ty du lịch và các điểm đến, đừng để đến ngày cao điểm bóp chẹt hãng lữ hành và khách du lịch. Các nước lân cận có chính sách giá vé ổn định, giữa hàng không với công ty du lịch, giữa cung - cầu thường xuyên gặp gỡ trao đổi khó khăn, vướng mắc với nhau. Phần lớn các nước thu thuế đất làm cơ sở vật chất, thuế giá trị gia tăng thấp hơn chúng ta, có hỗ trợ mặt tài chính cho khách sạn, du lịch; về hàng không có chính sách tín dụng tốt.

Chúng ta cần tạo ra chuỗi giá trị giữa vận chuyển, lữ hành, hàng không, khách sạn để bán sớm và có giá tốt. Các bên điều tiết lại giá vé sao cho hợp lý. Về phía Nhà nước, cần hỗ trợ giảm thuế đầu vào cho ngành du lịch như thuê đất khách sạn, thuế giá trị gia tăng, phương tiện vận chuyển.•

Khách hàng chuyển hướng sang phương tiện khác

Trao đổi với PV, ông Đỗ Văn Thức, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đất Việt Tour, cho rằng những ngày lễ, Tết giá tour mà tăng lên 30%-40% so với giá ngày thường thì rất khó thu hút khách trong nước, trong khi các nước chỉ tăng 2%-5%. Bởi các quốc gia trong khu vực có gói chính sách hỗ trợ từ Nhà nước hay các hãng hàng không nên giá tour giảm xuống.

“Chúng ta cần tránh để du lịch nội địa phát triển theo hướng “trăm dâu đổ đầu tằm”. Hàng không mà tăng giá mạnh thì khách sạn cũng tăng giá, khi đó sẽ không cạnh tranh được với thị trường nước ngoài” - ông Thức nói.

Còn theo lãnh đạo một sân bay ở miền Trung thì giá vé tăng cao sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại của hành khách, kéo theo số chuyến bay sẽ bị cắt giảm khi hành khách sụt giảm, điều này ảnh hưởng đến các hoạt động du lịch, khả năng cạnh tranh giữa các địa phương cùng có đường bay. Theo vị này, giá vé máy bay hiện chưa vượt khung quy định nhưng dịp Tết tăng cao khiến hành khách chuyển hướng sang các phương tiện cá nhân, tàu hỏa…, lúc đó chính hàng không mất đi lợi thế cạnh tranh.

Khách du lịch sụt giảm nghiêm trọng
Có một nghịch lý đáng lo là ngay giữa đợt cao điểm du lịch, gần nhất là đợt nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, lượng du khách đổ về đảo ngọc Phú Quốc vẫn sụt giảm nghiêm trọng. Theo thống kê, trong bốn ngày nghỉ lễ Quốc khánh năm 2023, Phú Quốc chỉ đón 62.544 lượt du khách, giảm đến 26,5% so với dịp lễ năm ngoái, mức giảm chưa từng có trong nhiều năm qua.

Thực tế tương tự cũng diễn ra tại một số TP du lịch nổi tiếng khác của Việt Nam. Như tại Cần Thơ, theo báo cáo từ Sở VH-TT&DL TP Cần Thơ, trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, Cần Thơ chỉ đón khoảng 180.000 lượt du khách, giảm 4% so với dịp lễ năm 2022.

Tại Đà Lạt, cũng trong kỳ nghỉ lễ trên, lượng du khách tới phố núi dù không ít nhưng thực tế chỉ lấp đầy khoảng 50% công suất phòng của toàn TP. Một trong những lý do khiến nhiều TP vốn nổi tiếng là thiên đường du lịch phải chịu cảnh sụt giảm lượng du khách theo giới chuyên gia là giá vé máy bay đắt đỏ.

Thực tế này đã từng diễn ra trong đợt nghỉ lễ 30-4 và 1-5, khi giá vé nhiều chặng bay như Hà Nội - Phú Quốc lên tới cả chục triệu đồng/vé khứ hồi. Ngay cả chặng gần như TP.HCM - Phú Quốc, du khách cũng phải móc ví trả khoảng 4 triệu đồng/vé. Hậu quả là đảo ngọc ngay cả trong dịp cao điểm, nghỉ dài ngày như 30-4 và 1-5 cũng chỉ đón 112.000 lượt du khách, giảm 11,5% so với cùng kỳ.

Trong một lần trả lời báo chí mới đây, ông Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Nha Trang (Khánh Hòa), đã nói nếu tiếp tục tình trạng hiện tại, ngành du lịch Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ ngậm ngùi nhìn du khách sang nước bạn. Ông Thành đề xuất với giá vé máy bay, Chính phủ nên có phương án bình ổn như giảm thuế, phí, hạ nhịp tăng giá.

Về vĩ mô, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch, kiến nghị cần thêm sự hợp tác, hỗ trợ giữa cơ quan nhà nước và các hãng hàng không khi du lịch vào mùa cao điểm. “Cần xây dựng một cơ quan, đơn vị có trách nhiệm như một “nhạc trưởng” định hướng các doanh nghiệp lữ hành, hàng không phát triển đồng đều, giảm tác động của các biến động thị trường” - ông Chính nói. Q.ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm