Đề nghị đưa Vĩnh Tân vào diện giám sát đặc biệt

Liên quan đến việc trong hai ngày 16 và 17-12, tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận) có gió xoáy gây phát tán bụi ra môi trường, ngày 21-12, ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã có công văn gửi Sở TN&MT, Công an tỉnh Bình Thuận, UBND huyện Tuy Phong, Tổng Công ty Phát điện 3 và Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1.

Đường ống chuyển than tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

Theo đó, ngoài những yêu cầu Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân phải có những biện pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng nêu trên, đảm bảo không để xảy ra sự cố môi trường gây mất an ninh trật tự tại khu vực, UBND tỉnh yêu cầu Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 phải thực hiện ngay các biện pháp chống bụi phát tán.

Cụ thể, trước mắt tăng cường xe để tưới nước giữ ẩm tại các khu vực công trường chưa phủ bạt; ưu tiên thi công những hạng mục khắc phục tình trạng bụi (như xây dựng đường vận chuyển ra bãi xỉ Nhà máy Vĩnh Tân 1, hệ thống dẫn nước, tăng cường xe tưới, phủ bạt chống phát tán bụi…); tăng cường lượng nước tưới (thuê thêm xe tưới, huy động nguồn nước ngọt để tưới
từ Nhà máy Vĩnh Tân 2 hoặc các nguồn khác).

UBND tỉnh yêu cầu không để sử dụng nước mặn để tưới. Xây dựng các phương án, kế hoạch để bố trí nhận lực, phương tiện thiết bị, thông tin liên lạc, ca kíp trực, công tác phối hợp với địa phương và các ngành chức năng để đảm bảo khắc phục triệt để việc phát tán bụi tại công trường; nghiên cứu các phương án đã triển khai của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 để áp dụng, khắc phục bụi đối với công trình bãi thải xỉ của dự án Vĩnh Tân 1; vừa xây dựng kế hoạch, phương án vừa triển khai ngay các biện pháp để khắc phục tình trạng phát tán bụi.

Tổ giám sát của tỉnh phải báo cáo kịp thời, chính xác và đầy đủ tình hình môi trường hằng ngày tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân; trên cơ sở đó, kịp thời đề xuất, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý các tình huống tại hiện trường, đảm bảo không để xảy ra sự cố về môi trường làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Sở TN&MT chủ động phối hợp với chủ đầu tư rà soát, đánh giá lại báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Nhà máy Vĩnh Tân 1, nếu chưa phù hợp với tình hình thực tế khi triển khai xây dựng thì khẩn trương kiến nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ TN&MT, Bộ Công Thương sớm triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc với tỉnh Bình Thuận.

Bãi tập kết bụi trong nhà máy.

Rà soát, khẩn trương tham mưu giải quyết việc tạm giao đất của Nhà máy Vĩnh Tân 3 cho chủ đầu tư Nhà máy Vĩnh Tân 1 để làm đường vào bãi thải xỉ Vĩnh Tân 1 trước ngày 27-12.

Đặc biệt, UBND tỉnh cũng giao Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ TN&MT cử đoàn công tác vào phối hợp với tỉnh để giám sát tình hình môi trường của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân trong thời gian chờ Chính phủ xem xét, quyết định đưa Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân vào đối tượng giám sát đặc biệt về môi trường.

Được biết trước đó Bộ TN&MT đã đưa ra danh sách 28 doanh nghiệp sẽ chịu sự kiểm soát đặc biệt về môi trường theo Chỉ thị 25 của Thủ tướng Chính phủ sau khi xảy ra sự cố môi trường Formosa (Hà Tĩnh). Trong danh sách 28 doanh nghiệp bị kiểm soát đặc biệt (chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất xi măng, nhiệt điện, khai thác khoáng sản…) thì Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (Bình Thuận) đứng thứ ba, sau thép Formosa (Hà Tĩnh) và thép Hòa Phát.

Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân gồm năm nhà máy nhiệt điện và cảng tổng hợp, có tổng lượng tro xỉ khoảng 3,3 triệu tấn/năm, tổng lượng nước làm mát thải ra biển khoảng 28,3 triệu khối/ngày, cộng với hoạt động các ống khói, nạo vét cầu, cảng, luồng lạch… tác động cộng hưởng vào môi trường biển Vĩnh Tân - nơi tập trung sản xuất tôm giống của cả nước và có khu bảo tồn biển Hòn Cau là cực lớn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm