Đây là đề xuất được Sở Công Thương TP.HCM đưa ra tại hội thảo Sử dụng nhiên liệu sinh học - Giải pháp phát triển bền vững do Bộ Công Thương tổ chức ngày 17-10.
Một số doanh nghiệp xin tạm ngừng bán E5
Theo đó, Sở Công Thương TP.HCM cho biết tính đến hết tháng 8-2017, cả TP có 240/533 cửa hàng xăng dầu tham gia phân phối xăng sinh học E5 (tỉ lệ 45%), sản lượng tiêu thụ bình quân đạt 8.053 m3/tháng, chiếm 6,2% tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn TP, tăng 78% so thời điểm triển khai thí điểm và giảm 3,3% so với thời điểm tháng 10-2016.
Sản lượng tiêu thụ có chiều hướng giảm do người tiêu dùng không có thói quen thay đổi chuyển qua tiêu dùng xăng sinh học E5.
Đồng thời, chênh lệch giá bán giữa xăng sinh học E5 và xăng khoáng A92 là 270 đồng/lít, không hấp dẫn người tiêu dùng và người tiêu dùng vẫn còn tâm lý e ngại khi được giới thiệu và khuyến khích dùng thử.
Báo cáo của Sở Công Thương TP.HCM cũng chỉ ra rằng các cửa hàng kinh doanh xăng sinh học E5 có doanh thu thấp so với xăng khoáng A92, A95; sản lượng tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều ngày, tỉ lệ hao hụt rất cao (thẩm thấu), ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Đến nay đã có một số doanh nghiệp có văn bản đề nghị Sở Công Thương về việc tạm ngưng kinh doanh xăng E5 do sản lượng bán ra rất thấp và mức chiết khấu không cao, không bù đắp được chi phí hoạt động của cửa hàng.
Cụ thể, hiện nay tỉ lệ chiết khấu xăng sinh học E5 1.000-1.600 đồng/lít, không thật sự hấp dẫn để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự giác chuyển đổi.
Chênh lệch giá bán giữa xăng sinh học E5 và xăng A92 không nhiều (E5 thấp hơn A92 là 230 đồng/lít), chưa thật sự hấp dẫn và khuyến khích sử dụng cho người kinh doanh và người tiêu dùng.
Trường hợp thay thế 100% xăng A92 bằng xăng sinh học E5, người tiêu dùng sẽ có xu hướng quay sang sử dụng xăng A95.
Đặc biệt, theo Sở Công Thương TP.HCM, hiện nay các nhà máy sản xuất nguyên liệu trong nước đóng cửa, hoạt động cầm chừng do nguồn nguyên liệu vào và đầu ra không ổn định, nguồn cung ethanol không ổn định.
Điều này dẫn đến chi phí thu mua, chế biến, tỉ lệ hao hụt cao trong quá trình bảo quản nên chi phí sản xuất ethanol cao, dẫn đến giá thành xăng sinh học E5 cao.
Mặt khác, hiện nay giá xăng dầu trên thế giới đang giữ ổn định sau khi tăng kể từ tháng 11-2016 và có xu hướng giảm, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đẩy mạnh nhập khẩu dự trữ, xuất kho tiêu thụ xăng khoáng A92, A95 hiệu quả hơn so với việc tiêu thụ xăng sinh học E5.
Việc kinh doanh xăng sinh học E5 triển khai thực hiện thí điểm trên phạm vi một số tỉnh, thành không đồng bộ và kịp thời ảnh hưởng không nhỏ đến việc phân phối xăng sinh học E5.
Giảm thuế, giảm giá bán
Do đó cơ quan này cho rằng trường hợp thay thế 100% xăng khoáng A92 bằng xăng sinh học E5, người tiêu dùng sẽ có xu hướng quay sang sử dụng xăng A95, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng xăng A95 tăng cao, ảnh hưởng đến nguồn cung.
Do đó, trường hợp triển khai đồng loạt, cần có kế hoạch, lộ trình phân kỳ cụ thể phương án đầu tư bồn bể, nhập khẩu, dự trữ nguồn xăng khoáng A95 hợp lý, tránh trường hợp thiếu hụt nguồn cung, ảnh hưởng đến thị trường.
Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu chính sách, cơ chế hỗ trợ, chính sách giảm thuế, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt (hiện nay doanh nghiệp phải đóng 10% đối với xăng khoáng và 8% đối với xăng E5), phí, môi trường… để giảm giá thành nguồn ethanol, giảm giá bán xăng sinh học E5 thấp hơn giá bán xăng khoáng A92 khoảng 1.000-2.000 đồng/lít, tạo được yếu tố hấp dẫn, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng.
Đồng thời hỗ trợ một phần chi phí pha chế, sản xuất, lưu thông, bảo quản xăng E5 nhằm giảm áp lực, khó khăn của các doanh nghiệp.
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng dù xăng E5 đang được bán song song cùng xăng khoáng, tuy nhiên người tiêu dùng vẫn chưa thật sự mặn mà với loại xăng này khi tỉ lệ tiêu thụ xăng E5 trên thị trường mới chỉ đạt 9% trên tổng lượng tiêu thụ xăng khoáng.
Việc thay đổi tập quán và nhận thức của người tiêu dùng đối với xăng sinh học luôn là một vấn đề nan giải đối với các cơ quan chức năng từ trước đến nay, nhất là khi chênh lệch giữa giá bán lẻ của xăng E5 và xăng khoáng A92 không đủ sức thu hút họ.
Việc khai tử hoàn toàn xăng khoáng, thay vào đó là các trạm nhiên liệu cung cấp xăng E5 cũng giúp cho người tiêu dùng phần nào chấp nhận chuyển sang dùng loại nhiên liệu này.
Tuy nhiên, sẽ không tránh khỏi việc một bộ phận người dùng chuyển hẳn sang dùng xăng A95, nhất là các ô tô.