Để “ra hàng”, nhà đầu tư bất động sản chấp nhận lỗ

(PLO)- Không chịu nổi áp lực lãi vay ngân hàng, nhiều người mua nhà tháo chạy với tỉ lệ cắt lỗ có nơi lên đến 30% so với giá gốc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Áp lực trả lãi vay quá nặng đang khiến các nhà đầu tư nhà đất phải tìm cách thoát hàng nhưng không dễ dàng. Chị Hoài Trinh (quận 9, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi mua một căn hộ 58 m2 ở quận 9, giá gốc 2,8 tỉ đồng.

Từ tháng 9 năm ngoái tôi rao bán đúng giá gốc không được, đến nay tôi giảm 200 triệu đồng, rồi 300 triệu đồng nhưng vẫn không có khách mua. Khi mua nhà, tôi đã vay ngân hàng 2,1 tỉ đồng với lãi suất 11,7%/năm, mỗi tháng phải trả hơn 26 triệu đồng, thật sự là gánh nặng”.

Tương tự, anh Võ Tâm (quận 2, TP.HCM) cho biết cũng vay ngân hàng 5 tỉ đồng đầu tư bất động sản (BĐS) với lãi suất hiện là 14%/năm, mỗi tháng trả tiền gốc và lãi hơn 40 triệu đồng. Anh rao bán căn nhà với giá 3,5 tỉ đồng nhưng vẫn chưa ra được hàng.

Là đơn vị chuyên phát triển dự án cho người có thu nhập thấp, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lê Thành, cho biết: “Hiện nay khó khăn lớn nhất của thị trường là bán hàng không được. Lý do là người có tiền thì vẫn chờ xem giá nhà đất có xuống nữa không, còn người cần mua nhà ở lại không thể mua vì lãi suất vay đang cao”.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho rằng: “Lãi suất vay mua nhà vẫn ở mức cao dẫn đến áp lực khó giảm giá BĐS, điều này khiến sức mua của thị trường vẫn duy trì ở mức thấp”.

Thị trường hiện nay giao dịch khá ảm đạm, nhà đầu tư bán cắt lỗ nhưng vẫn khó “ra hàng”. Ảnh minh họa: Q.HUY
Thị trường hiện nay giao dịch khá ảm đạm, nhà đầu tư bán cắt lỗ nhưng vẫn khó “ra hàng”.
Ảnh minh họa: Q.HUY

Tại tọa đàm “Nghị quyết 01 - Đột phá hỗ trợ doanh nghiệp” vừa diễn ra ngày 6-2, TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh: “Việc phát triển BĐS là động lực để phát triển nền kinh tế. Khôi phục thị trường địa ốc là một trong những nhiệm vụ hàng đầu hiện nay. Theo số liệu của HoREA, 70% vướng mắc các doanh nghiệp BĐS gặp phải đều liên quan đến pháp lý. Nếu vậy, điều quan trọng hàng đầu là giải quyết các vấn đề về thể chế, pháp lý và thủ tục hành chính”.

Để ngành BĐS sớm phục hồi, Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cũng kiến nghị các cơ quan nhà nước cần đưa ra các chính sách hướng đến mục tiêu duy trì sự ổn định và phát triển bền vững cho thị trường này.

Ngành BĐS có ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 30 ngành nghề khác như vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, nội thất… Nếu chính sách vĩ mô được điều chỉnh, các dự án phù hợp nhu cầu thị trường được kích hoạt, thị trường BĐS khởi sắc sẽ giúp các ngành nghề liên quan khác được cải thiện.

Ngoài ra, VARS cũng kiến nghị Tổ công tác Chính phủ sớm đưa ra các kiến nghị cụ thể để tháo gỡ nhanh các nút thắt pháp lý đã và đang tạo rào cản đối với nguồn cung của thị trường, làm đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan, đặc biệt là với các dự án có tính phù hợp với nhu cầu thực của thị trường như nhà ở bình dân, nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, cần có chính sách tín dụng linh hoạt đối với các dự án cần thiết, phù hợp với nhu cầu thực của thị trường; có chính sách giúp doanh nghiệp ổn định kênh dẫn vốn để ổn định đầu tư, phát triển.

Những vướng mắc liên quan đến pháp lý đã khiến số lượng dự án đủ điều kiện mở bán liên tục giảm với quy mô lớn theo từng năm. Cụ thể, năm 2017 toàn thị trường địa ốc có 42.991 sản phẩm được chào bán, sang đến năm 2018 giảm xuống còn 28.000 sản phẩm, năm 2019 còn 23.000 sản phẩm, năm 2020 là 16.894 sản phẩm, đến năm 2021 chỉ có 13.849 sản phẩm được bán ra và năm 2022 chỉ còn hơn 12.100 sản phẩm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm