Để Việt kiều mua nhà ở Việt Nam dễ dàng hơn

(PLO)- Các chuyên gia đề xuất Việt Nam cần có chính sách tạo thuận lợi cho kiều bào mua nhà ở nhưng mức thuế cao và sản phẩm có thời hạn khoảng 30-40 năm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hiện nay, Việt Nam (VN) đã có quy định về việc cho phép người nước ngoài cũng như Việt kiều mua và sở hữu nhà tại VN. Tuy nhiên, thực tế những năm qua số lượng bà con Việt kiều sở hữu nhà tại VN lại rất ít.

Nhiều đại diện kiều bào, chuyên gia và doanh nghiệp đã góp ý các giải pháp gỡ vướng về vấn đề trên tại hội thảo nhà ở cho người nước ngoài và Việt kiều do Câu lạc bộ Bất động sản (BĐS) VN (VREC) và Câu lạc bộ BĐS TP.HCM (HREC) vào chiều 24-2.

Các chuyên gia đề xuất Việt Nam cần có chính sách tạo thuận lợi cho kiều bào mua nhà ở. Ảnh: QH

Các chuyên gia đề xuất Việt Nam cần có chính sách tạo thuận lợi cho kiều bào mua nhà ở. Ảnh: QH

Việt kiều chỉ được mua BĐS trong dự án

Ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nhân VN ở nước ngoài, cho biết hiện Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, quy định trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài, phát huy hơn nữa nguồn lực kiều bào trong xây dựng và phát triển đất nước.

Trong đó, Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định cho phép người VN định cư ở nước ngoài (gọi tắt là Việt kiều) được mua nhà ở tại VN. Tuy vậy, lượng bà con kiều bào sở hữu nhà lại không nhiều dù nhu cầu muốn có căn nhà ở quê hương để đi đi về về hoặc về làm việc, kinh doanh, học tập… là rất nhiều.

Vướng mắc ở quy định hạn chế sản phẩm BĐS. Ông Hồng cho biết quy Điều 169 Luật Đất đai năm 2013 quy định Việt kiều thuộc diện được sở hữu nhà ở tại VN chỉ được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận cho tặng nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở.

“Việc này dẫn đến hạn chế quyền nhận chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế đất ở ngoài các dự án phát triển nhà ở, quyền xây dựng và sở hữu nhà ở trên đất ở ngoài các dự án phát triển nhà ở” - ông Hồng chia sẻ.

Một Việt kiều Mỹ chia sẻ: Việt kiều mua nhà cũng vướng nhiều giấy tờ, quy định như chỉ mua nhà dự án (căn hộ chung cư hoặc nhà trong dự án) do chủ đầu tư phát triển. “Những căn hộ hay nhà này đều chưa có sổ hồng, vay ngân hàng tại VN thì họ ngại không cho Việt kiều hay người nước ngoài vay, còn ngân hàng ở nước ngoài thì không có sổ không được vay” - Việt kiều này chia sẻ.

Ngoài ra, một bất cập là việc áp dụng các quy định liên quan tới giao dịch mua, thuê mua BĐS với tổ chức, cá nhân nước ngoài, người VN định cư ở nước ngoài chưa được rõ ràng và không thống nhất giữa các địa phương.

Tổng lượng kiều hối năm 2022 của VN đạt gần 19 tỉ USD, chiếm 48% tổng thu ngân sách nội địa, nằm trong top 3 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thuộc top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối.

Khơi thông thủ tục

Đánh giá về nhu cầu mua nhà ở VN của người ngoài nói chung và bà con Việt kiều nói riêng được ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc kinh doanh CBRE VN, cho biết nguồn cầu rất lớn và lượng tiền họ sẵn sàng chi trả rất nhiều.

Theo ông Kiệt, việc người nước ngoài, trong đó có Việt kiều mua nhà ở tại VN theo thống kê không nhiều vì nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là quy định hạn chế chỉ mua nhà trong dự án, số lượng cũng chỉ 30% tổng sản phẩm của dự án đó. Ngoài ra, các sản phẩm dự án mà Việt kiều, người nước ngoài đều lựa chọn ở phân khúc cao cấp, đầy đủ tiện ích, dịch vụ, quản lý vận hành chuyên nghiệp… Trong khi nguồn cung dự án của chủ đầu tư VN chỉ chú trọng phục vụ người mua nhà trong nước nên cũng khó phù hợp.

Ông Kiệt cho rằng VN có thể tham khảo các nước trong khu vực về vấn đề này vì việc tạo điều kiện nhà ở sẽ tác động tích cực đến thu hút đầu tư nước ngoài về nước. Như Singapore, kiều bào đang làm việc ở nước này hoặc thậm chí không cần làm việc đều dễ dàng mua nhà ở đây. Thủ tục mua nhà nhanh chóng nhưng mức giá, số thuế kiều bào hay người nước ngoài mua nhà đều cao hơn.

Ông Hồng cho rằng Đảng và Nhà nước cần bảo đảm quyền và nghĩa vụ về đất đai, nhà ở của Việt kiều ngang bằng với công dân VN ở trong nước. An cư mới lạc nghiệp sẽ tạo tâm lý cho Việt kiều muốn về cội nguồn, gắn bó, cống hiến nhiều hơn cho quê hương, đất nước.

“Trên cơ sở kiến nghị của kiều bào, Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã kiến nghị Việt kiều thuộc diện được sở hữu nhà ở tại VN theo quy định của pháp luật về nhà ở được mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở. Và không hạn chế và phân biệt trong hay ngoài dự án phát triển nhà ở để tạo dựng và sở hữu nhà ở” - ông Hồng kiến nghị.•

Đa dạng sản phẩm nhà ở có thời hạn 30-40 năm cho Việt kiều và người nước ngoài

Nhu cầu sở hữu nhà ở của Việt kiều và người nước ngoài tại VN rất lớn, có thể lên tới hàng triệu căn nhà. Nếu thủ tục, điều kiện mua bán nhanh chóng thì cơ hội dành cho loại hình BĐS nhà ở cao cấp đang tồn kho cao, tạo ra những lực đẩy lớn cho thị trường BĐS VN.

Nếu lấn cấn về thời hạn sở hữu nhà như hiện nay giới hạn 50 năm thì Nhà nước có thể điều chỉnh sửa luật hạ mức thời hạn sở hữu nhà của người nước ngoài và Việt kiều xuống có thể là 30-40 năm. Nhà 30 năm thì giá bán, thuế như người VN trong nước, nếu mua nhà 40-50 năm thì giá bán, mức thuế đóng phải cao hơn. Như Singapore hiện nay, người nước ngoài chỉ cần lập doanh nghiệp tại nước này, đóng thuế một năm là có quyền mua nhà, mới đây nước này còn cho người nước ngoài mua căn nhà thứ hai.

Việt kiều muốn về nước đều là giới trí thức, doanh nhân muốn về đầu tư phát triển đất nước, họ có đủ tài chính để mua nhà. Vì vậy, quy định Nhà nước tạo thuận lợi cho Việt kiều mua nhà ở VN sẽ vừa tăng nguồn kiều hối vừa tạo môi trường thu hút vốn FDI tăng lên.

Ông NGUYỄN QUỐC BẢO, Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS VN (VREC)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm