Để xử lý dứt điểm nạn chặt phá rừng phòng hộ ở Đồng Nai: Sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định

(PLO)- Cục Lâm nghiệp ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của địa phương và sẽ xem xét đề xuất trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên quan việc các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai kiến nghị xem xét, giải quyết việc các hộ dân chặt cây trong rừng phòng hộ, ông Đoàn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ đề xuất trong quá trình xây dựng hồ sơ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thực hiện theo hợp đồng nhận khoán

. Phóng viên: Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai liên tiếp xảy ra tình trạng người dân đốn hạ cây trong rừng phòng hộ, ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?

+ Ông Đoàn Hoài Nam: Trong những năm qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai đã tích cực và chủ động triển khai nhiều giải pháp quản lý bảo vệ và phát triển rừng; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường… Vì vậy, Đồng Nai luôn đi đầu trong các hoạt động về lâm nghiệp.

sua_rung-phong-ho-4700.jpg
Ông Đoàn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp. Ảnh: VH

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, trên địa bàn một số huyện của tỉnh Đồng Nai xảy ra tình trạng người dân vào rừng nhận khoán cắt hạ cây của rừng phòng hộ mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Đây là hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, các cơ quan chức năng của Đồng Nai cần xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục, ngăn chặn kịp thời các trường hợp tương tự xảy ra trên địa bàn.

. Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có nội dung quy định chuyển tiếp hoặc hướng dẫn xử lý nguồn vốn mà người dân bỏ ra đầu tư trồng rừng. Điều này làm cơ quan quản lý ở địa phương gặp khó khăn trong việc xử lý hành vi khai thác cây rừng, thành quả của họ. Ông nghĩ sao về việc này?

+ Trong thời gian qua, các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT đã có các văn bản trả lời kiến nghị của địa phương về một số nội dung liên quan.

Chính sách giao khoán rừng, vườn cây, đất lâm nghiệp và mặt nước nuôi trồng thủy sản cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân quản lý, sử dụng lâu dài vào mục đích Nông Lâm nghiệp đã được Nhà nước ban hành tại các Nghị định số 01/CP ngày 04/01/1995, Nghị định số 135/2005/NĐ-CP và và Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016. Như vậy, chính sách khoán đã được thực hiện từ lâu và được điều chỉnh qua các thời kỳ phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Việc hưởng lợi, xử lý nguồn vốn đầu tư trồng rừng giữa người nhận khoán và chủ rừng được thực hiện theo nội dung thỏa thuận tại hợp đồng nhận khoán, bảo đảm đúng quy định của pháp luật lâm nghiệp và các quy định hiện hành khác có liên quan.

Sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định

. Đồng Nai đang gặp khó khăn trong xử lý khai thác trái phép cây rừng phòng hộ do vướng một số quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Do đó, thời gian tới Cục Lâm nghiệp có kiến nghị gì đối với Chính phủ?

+ Rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống… theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật Lâm nghiệp. Vì vậy, việc khai thác sử dụng rừng phòng hộ được thực hiện nghiêm ngặt theo quy chế quản lý rừng.

Theo quy định của Luật Lâm nghiệp và văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, việc khai thác rừng trồng và quyền lợi của chủ rừng tự đầu tư trồng rừng phòng hộ, đã được bảo đảm và quy định tại điều 55 Luật Lâm nghiệp và Điều 20, Điều 21 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16-11-2018 của Chính phủ.

rừng phòng hộ,.jpg
Khu rừng trong rừng phòng hộ Xuân Lộc bị người dân chặt. Ảnh: VŨ HỘI.

Trong Nghị định 156, quy định về phương thức, quy cách… khai thác trắng rừng trồng phòng hộ; đồng thời phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về trình tự, thủ tục khai thác theo quy định hiện hành.

Cục Lâm nghiệp tiếp thu nội dung kiến nghị trên để xem xét, nghiên cứu, đề xuất trong quá trình xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tổng hợp trong năm 2024.

. Hiện tỉnh Đồng Nai mong muốn đề nghị các bộ, ngành, Chính phủ cần điều chính, bổ sung ngay những bất cập trong Nghị định số 168/2016/NĐ-CP của Chính phủ, để xử lý vi phạm rừng trong thời gian qua?

+ Tại Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27-12-2016 của Chính phủ, quy định: Khoán rừng, vườn cây, mặt nước là hình thức thỏa thuận thực hiện công việc trong hoạt động quản lý bảo vệ, sử dụng, sản xuất kinh doanh giữa bên khoán và bên nhận khoán trong một thời hạn nhất định.

Trường hợp bên nhận khoán thực hiện không đúng hợp đồng khoán, sử dụng diện tích được nhận khoán sai mục đích, diện tích khoản bị chuyển nhượng trái pháp luật, thì bên khoán thanh lý hợp đồng khoán và tổ chức thu hồi diện tích khoán.

Như vậy, khoán rừng, vườn cây, mặt nước là hình thức thỏa thuận thực hiện công việc trong hoạt động quản lý bảo vệ, sử dụng, sản xuất kinh doanh giữa bên khoán và bên nhận khoán trong một thời hạn nhất định.

Việc xử lý tài sản được hình thành và phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng khoán được thực hiện theo thỏa thuận hợp đồng khoán và giải quyết theo quy định của pháp luật có liên quan.

Ngày 24-5-2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2024/NĐ-CP về một số chính sách đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp. Đề nghị địa phương nghiên cứu kỹ để áp dụng và tháo gỡ một phần khó khăn, vướng mắc cho người dân.

Cục Lâm nghiệp ghi nhận thông tin phản ánh của báo Pháp Luật TP.HCM, đồng thời tiếp thu kiến nghị của địa phương đối các vấn đề liên quan, để xem xét nghiên cứu, đề xuất trong quá trình xây dựng hồ sơ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

. Xin cảm ơn ông!

Ông Đoàn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp đánh giá cao sự quan tâm của báo Pháp Luật TP.HCM tới công tác bảo vệ và phát triển rừng, môi trường nói chung và những thông tin tình hình chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng tại khu rừng phòng hộ Xuân Lộc nói riêng.

Điều này giúp cơ quan quản lý nhà nước có những thông tin đa chiều về tình hình thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành trên thực tế tại địa phương; đồng thời có định hướng, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công bảo vệ và phát triển rừng.

Cục Lâm nghiệp ghi nhận các ý kiến do báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh, đồng thời tiếp thu kiến nghị của địa phương đối các vấn đề liên quan trên để xem xét nghiên cứu, đề xuất trong quá trình xây dựng hồ sơ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm