Bộ LĐ-TB&XH vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về đề án thí điểm đào tạo và đào tạo lại người lao động (NLĐ) đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nhiều nghề sẽ biến mất
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH nhận định cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam. Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả đào tạo nhiều trường dạy nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
NLĐ với các kiến thức, kỹ năng đang được học trong nhà trường chưa đáp ứng yêu cầu hiện tại, có thể hoàn toàn không hữu dụng với nền kinh tế 4.0 hoặc đang dễ dàng bị robot thay thế trong tương lai gần. Nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ phải đối mặt những thách thức, tác động tiêu cực.
Cụ thể, trong nước sẽ tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh, dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội đất nước. Đặc biệt, doanh nghiệp thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao.
Trước thực trạng trên, theo nghiên cứu của Bộ LĐ-TB&XH sẽ có nhiều ngành nghề biến mất nhưng lại có những công việc mới ra đời. Vì vậy, việc đào tạo và đào tạo lại NLĐ để đáp ứng các kỹ năng trong tương lai là cần thiết.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho người lao động. Ảnh: V.LONG
Những nghề nào tương lai cần?
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Chính phủ sớm phê duyệt đề án thí điểm đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng cập nhật, kiến thức, kỹ năng công nghệ cho NLĐ. Trong đó, tập trung vào các ngành công nghệ thông tin; điện tử viễn thông; điện, điện tử; tự động hóa; công nghiệp chế biến; nông nghiệp công nghệ cao, lâm nghiệp; ô tô, cơ khí nông nghiệp, thiết bị y tế; dịch vụ vận tải, logistics; du lịch dịch vụ (khách sạn, nhà hàng...)…
“Qua nghiên cứu, phân tích, chúng tôi thấy đây là các ngành nghề có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, nhất là việc ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ mới. Nên NLĐ ở các ngành nghề này cần thiết phải đào tạo, đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu…” - lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nhận định.
Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH cũng dự báo cuộc cách mạng 4.0 sẽ khiến nhiều nghề có năng suất lao động thấp đối diện với các thách thức mất việc làm cần phải được đào tạo để chuyển đổi nghề. Cụ thể như ngành nghề nông, lâm, ngư nghiệp; cơ khí, chế tạo; dệt may, giày da; khai khoáng, mỏ địa chất; tự động hóa và nhóm các ngành nghề lao động giản đơn khác (ngành nghề có năng suất lao động thấp, lao động có kỹ năng thấp; lao động có nguy cơ thất nghiệp...).
Góp ý đề xuất trên, Bộ Tài chính cho rằng cần phải cân nhắc đề án này. Riêng đối với NLĐ và người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp hiện nay đã được hưởng chế độ đào tạo nghề theo quy định, không thuộc phạm vi của đề án nên dễ dẫn đến trùng lặp.
Về vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng không có sự trùng lặp về đối tượng vì NLĐ thất nghiệp do nhiều nguyên nhân nhưng có nguyên nhân do tác động của cách mạng công nghiệp 4.0. “Do vậy, nếu NLĐ có đóng bảo hiểm thất nghiệp và bị thất nghiệp do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì sẽ thụ hưởng chính sách đào tạo, đào tạo lại theo các chương trình của đề án. Các đối tượng khác sẽ thụ hưởng theo các nguồn kinh phí khác…” - Bộ LĐ-TB&XH khẳng định.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết hiện cả nước có 1.917 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, 400 trường cao đẳng, 492 trường trung cấp, 1.025 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Trong hai năm (2017-2018), cơ sở giáo dục nghề nghiệp cả nước đã tuyển được hơn 2,2 triệu người/năm, đều vượt kế hoạch tuyển sinh. |