UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án Xây dựng 4.500 phòng học chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Nhu cầu cấp thiết
Mạng lưới trường lớp công lập ở các ngành học, bậc học đã được phủ khắp 21 quận, huyện và TP Thủ Đức trên toàn địa bàn TP với quy mô phát triển ngày một tăng.
Việc đầu tư tăng cường cơ sở vật chất phục vụ học tập góp phần đẩy mạnh tổ chức hoạt động dạy học hai buổi/ngày.
Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn TP vẫn còn một số quận, huyện có nhiều trường THCS, tiểu học có sĩ số cao hơn quy định của Điều lệ trường, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp; điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện không đảm bảo theo chuẩn quy định, ảnh hưởng đến công tác quản lý và chất lượng giảng dạy.
Việc gia tăng số học sinh hàng năm dẫn đến tăng số cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế làm tăng nguồn chi của ngân sách.
Bên cạnh đó, kết quả thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/1 vạn dân số trong độ tuổi đi học không đồng đều giữa các cấp học, tỉ lệ thực hiện ở cấp tiểu học và THCS đạt thấp tại một số quận huyện.
Do đó, việc xây dựng, triển khai Đề án thực hiện xây dựng 4.500 phòng học cho ngành GD&ĐT TP.HCM là một nhiệm vụ rất cấp thiết, đáp ứng yêu cầu giáo dục, đào tạo của TP; đồng thời đây cũng là công trình chào mừng Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhiều giải pháp triển khai
Để triển khai đề án xây dựng 4.500 phòng học, TP sẽ giải quyết các dự án vướng mắc về quỹ đất, rà soát tổng thể mạng lưới trường học trên địa bàn nhằm tăng thêm quỹ đất cho ngành GD&ĐT bằng nhiều giải pháp như di chuyển, thu hồi các kho bãi, khu đất bị bỏ hoang; bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân để xây dựng trường; ưu đãi về chính sách đất đai để đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục.
Ưu tiên dành quỹ đất công hiện có để xây dựng trường học, kể cả việc xin chủ trương thực hiện hoán đổi, đấu giá quyền sử dụng đất sau khi đã tạo lại quỹ đất.
TP.HCM cũng tăng cường đầu tư công và kêu gọi xã hội hóa để thực hiện việc xây dựng 4.500 phòng học. Cụ thể:
Về đầu tư công
Tổng nhu cầu đề xuất đầu tư từ ngân sách tập trung TP giai đoạn 2023-2025 gồm 277 dự án với số phòng học xây dựng mới 5.934 phòng, tổng mức đầu tư hơn 32 ngàn tỉ đồng.
Căn cứ vào tình hình cụ thể của từng dự án, từng địa phương, Đề án tập trung vào các nhóm dự án cụ thể:
Nhóm 1: danh mục các công trình trường học đã có trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025, thuận lợi về thủ tục hồ sơ, đề nghị ưu tiên giao vốn và đẩy nhanh tiến độ đầu tư.
Nhóm này gồm 118 dự án với số phòng học xây dựng mới 2.872 phòng.
Nhóm 2 là danh mục các công trình trường học đề xuất mới khả thi đẩy nhanh tiến độ đầu tư (chưa được đưa vào kế hoạch trung hạn) gồm 76 dự án. Nhóm này cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định để kịp triển khai khởi công trong năm 2024 và hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2025.
Nhóm 3 là danh mục các công trình trường học thuận lợi về pháp lý đất đai có thể tháo gỡ các nội dung liên quan để đẩy nhanh đầu tư gồm 83 dự án.
Về xã hội hóa
Để thực hiện kế hoạch xây dựng mới 4.500 phòng học, trên cơ sở đề xuất của TP Thủ Đức và 21 quận, huyện, toàn TP dự kiến có 110 dự án với quy mô 2.638 phòng học, vốn dự kiến 541 ngàn tỉ đồng.
Trong đó, kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công- tư gồm 12 dự án; dự án vay kích cầu gồm 4 dự án và kêu gọi đầu tư xã hội hóa gồm 94 dự án.