Trường ĐH Y Tokyo của Nhật Bản đã xin lỗi sau một cuộc điều tra nội bộ xác minh rằng cơ sở giáo dục này đã sửa điểm đầu vào của các thí sinh trong hơn một thập niên nhằm hạn chế số lượng nữ sinh trúng tuyển và đảm bảo có nhiều nam sinh trở thành bác sĩ, theo The Guardian ngày 7-8.
Giám đốc điều hành ĐH Y Tokyo Tetsuo Yukioka và Phó Chủ tịch Keisuke Miyazawa cúi đầu xin lỗi tại buổi họp báo ở Tokyo. Ảnh: GETTY
Theo thông tin từ các luật sư tham gia điều tra, ĐH Y Tokyo đã thay đổi tất cả kết quả đầu vào kể từ năm 2006 và thậm chí có thể từ trước đó. ĐH Y Tokyo cho biết việc sửa điểm này lẽ ra không nên xảy ra và sẽ không để xảy ra trong tương lai. Trường cũng khẳng định sẽ cân nhắc việc nhận những sinh viên lẽ ra đã trúng tuyển nếu không bị sửa điểm, dù không giải thích rõ sẽ làm như thế nào.
Việc sửa điểm bị phát giác trong một cuộc điều tra về quá trình "đi cửa sau" của một quan chức thuộc Bộ Giáo dục khi đã tác động để nâng điểm cho con trai. Vị quan chức này và cựu chủ tịch của trường đều bị cáo buộc nhận hối lộ.
Cuộc điều tra cũng phát hiện ra rằng trong kỳ tuyển sinh năm nay, ngôi trường này đã hạ 20% điểm của tất cả thí sinh trong bài thi đầu tiên, sau đó tăng ít nhất 20 điểm cho các thí sinh nam, ngoại trừ những người trước đó đã trượt bài thi ít nhất bốn lần. Các hành vi thay đổi điểm số đã xảy ra trong nhiều năm do Trường ĐH Y Tokyo muốn ít nữ sinh trở thành bác sĩ, vì họ dự tính trước rằng nhiều nữ bác sĩ sẽ bỏ nghề sau khi lập gia đình và sinh con.
Các báo cáo ở Nhật Bản cho hay chỉ có 30 nữ sinh trúng tuyển vào Trường ĐH Y Tokyo năm 2018. Ảnh: GETTY
Với sai phạm kiểu này, con trai của một quan chức trong Bộ Giáo dục, người thi trượt ba lần, đã được tăng thêm 20 điểm để qua điểm sàn. Theo luật sư Kenji Nakai, báo cáo điều tra đã nhận định rằng việc sửa điểm này là một sự "phân biệt giới tính sâu sắc".
Ông Nakai cho biết cuộc điều tra cũng phát hiện được rằng cựu chủ tịch Trường ĐH Y Tokyo đã nhận tiền từ một số phụ huynh muốn nâng điểm cho con trai họ và khẳng định việc sửa điểm này một phần xuất phát từ nền văn hóa thiếu sự minh bạch và công bằng.
Ông Nakai cũng cho hay báo cáo điều tra mới chỉ có những số liệu kết quả các kỳ thi gần đây do sức ép thời gian và sẽ cần thêm những cuộc điều tra khác nữa.
“Chúng tôi thành thật xin lỗi vì để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng trong kỳ thi tuyển sinh đại học, gây hoang mang và rắc rối cho nhiều người, và phản bội niềm tin của người dân” - Giám đốc điều hành ĐH Y Tokyo Tetsuo Yukioka nói.
Cổng Trường ĐH Y Tokyo. Ảnh: Nikkei Asian Review
“Tôi cho rằng chúng ta đang thiếu sự linh hoạt đối với các quy chuẩn trong xã hội hiện đại khi mà phụ nữ không nên bị phân biệt đối xử chỉ vì giới tính” - ông nhận định thêm.
Ông Yukioka cho biết phụ nữ không hề bị phân biệt đối xử khi được nhận vào trường nhưng một số người vẫn cho rằng phụ nữ không được phép trở thành bác sĩ phẫu thuật.
The Guardian cho biết gần 50% phụ nữ Nhật Bản học đại học, một trong những tỉ lệ cao nhất thế giới, nhưng họ thường phải đối mặt với sự phân biệt đối xử ở nơi làm việc.
Các số liệu cũng chỉ ra rằng tỉ lệ các nữ bác sĩ đỗ kỳ thi y khoa quốc gia duy trì trong khoảng 30% trong hơn 20 năm đã khiến một số chuyên gia nghi ngờ các trường y khoa đã phân biệt đối xử với các nữ sinh.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nhật Bản Yoshimasa Hayashi khẳng định với báo giới rằng ông dự kiến sẽ kiểm tra các thủ tục thi đầu vào của tất cả trường y khoa trên toàn quốc.
Kyodo News cũng trích dẫn nhận định của Bộ trưởng Nội vụ Seiko Noda rằng: "Thật vô cùng đáng tiếc khi các trường y quan niệm rằng việc có các nữ bác sĩ trong bệnh viện là một vấn đề rắc rối".