Đi bảo vệ... rùa đẻ

Cứ vào tháng 6 đến tháng 8, anh Phùng Mỹ Trung, nhà nghiên cứu đa dạng sinh học, trưởng nhóm Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam, lại kêu gọi các tình nguyện viên (TNV) từ TP.HCM đến đây để hỗ trợ cho các nhân viên vườn quốc gia (VQG).

Bảy ngày đêm gian khổ canh rùa đẻ

14 giờ chiều, bảy TNV đã có mặt tại trạm bảo vệ rùa bãi thịt của VQG Núi Chúa. Đến khoảng 19 giờ, tất cả TNV đã có mặt tại bãi biển dựng lều. Công việc của họ là khi có rùa bò lên bãi biển thì canh cho chúng đẻ trứng, chăm sóc bãi rùa đẻ trứng hoặc nếu rùa đi quá sâu vào khu dân cư thì phải dịch chuyển ra bên ngoài. Nếu như ổ trứng của rùa nằm sát mép nước quá, gây hiện tượng úng, thối thì các bạn TNV sẽ đưa ổ trứng đó đến môi trường khác để trứng được ấp tốt hơn.

Trong đêm tối, anh Nguyễn Tấn Danh, một TNV người địa phương, chia sẻ kinh nghiệm với cả nhóm: “Các bạn nhớ là từ giờ trở đi phải tắt hết điện thoại, máy tính... để không phát ra ánh sáng vì rùa rất nhạy với ánh sáng, khả năng chúng sẽ không bò lên bãi càng cao. Nhớ là nếu các bạn nghe thấy tiếng sột soạt, thậm chí là rùa có bò sát bên người thì cứ nằm im cho đến khi chúng bò tới chỗ mà chúng muốn đào hang. Nếu mình động đậy chúng lại bò về biển mất”.

Anh Danh là người địa phương ở đây, đã tham gia làm TNV từ năm 2003 nên có rất nhiều kinh nghiệm. Sau lời dặn của anh Danh, tất cả TNV đều háo hức ngóng chờ.

Anh Phùng Mỹ Trung cho biết mỗi năm ở VQG Núi Chúa có 40 - 70 cá thể rùa mẹ lên bãi đẻ. Nhưng chúng không đẻ tập trung, nên khả năng là TNV sẽ không gặp rùa mẹ cũng như rùa con. Thấy được rùa mẹ lên đẻ có thể xem như là một điều may mắn với bất cứ ai.

Hai cha con anh Việt-Su cùng thức dậy sau đêm đầu tiên đi canh rùa đẻ. Ảnh: THANH TUYỀN

“Có thể đêm đó rùa lên nhưng chưa chắc đã đẻ. Chúng chỉ lên để tìm hiểu trước về bãi đẻ, xem nhiệt độ có thích hợp để đẻ hay không vì mỗi con rùa đều có một bộ phận cảm nhiệt rất tốt. Nó sẽ tự xác định với nhiệt độ như vậy nó có nên đào hố để đẻ hay không” - anh Trung nói.

Từng khoảnh khắc trôi qua, từng câu chuyện được mang ra kể cho hết đêm mà vẫn không có con rùa nào bò lên. Đêm đầu tiên đã không như mọi người mong chờ. Sáng ra, họ lục đục dọn lều để về trạm, vẫn nuôi hy vọng ở những đêm kế tiếp.

Trải nghiệm bổ ích

Có chờ đợi cùng họ thì mới cảm nhận được hết những giá trị mà họ đã cùng nhau trải qua. Đêm tiếp theo là một buổi tối quá nhiều niềm vui. Con rùa đầu tiên đã bò lên để đào hang và đẻ trứng.

Kết thúc hành trình bảy ngày, họ xem đó là một trải nghiệm rất đáng nhớ trong đời mình. “Bảy đêm đợi mong” là cách mà TNV Mai Quỳnh Anh (42 tuổi) gọi tên những ngày mà chị đã trải qua cùng mọi người. Cả bảy TNV từ chỗ xa lạ bỗng trở nên gần gũi hơn sau những ngày sống cùng nhau, cùng chờ đợi một điều đặc biệt xảy ra.

“Bảy ngày sống với cái nóng điên người, đàn ruồi lượn vù vù xung quanh, người và tóc bết dính muối ẩm. Bảy đêm ê xương cốt nằm lều ngoài bãi biển với sương hoặc mồ hôi ướt đẫm, da sưng xỉa vì muỗi đốt. Bảy ngày trải nghiệm tuyệt vời với người và thú, với núi và biển và với chính mình” - chị Quỳnh Anh nói về những điều đã trải qua.

Quen với sự tiện nghi ở TP, chỉ biết đi học rồi về nhà nên lúc mới bắt đầu đến đây, bản thân Mỹ Tiên (sinh viên Trường ĐH Văn Lang, TP.HCM) cảm thấy có rất nhiều khó khăn trong lần đầu làm TNV. Đó là “nỗi ám ảnh” khi ở đây không có nhà vệ sinh như ở nhà, WiFi không có, 3G cũng không bắt được; không có nước sạch để xài mà nước giếng thì khan hiếm, mỗi lần đi chợ phải trèo qua khỏi ngọn núi ngay phía trước...

Kết thúc hành trình bảy ngày, Tiên bảo đã học được cách dựng lều và có rất nhiều kỷ niệm cho riêng mình.

Tiên kể lại: “Để đến được nơi cắm rễ đích thực trong hành trình này, mình và cả đội phải đi từ đường lộ, qua một vách núi có hàng vạn cục đá to đùng, rồi lại lách qua một rừng cây mới tới được”.

Tiên nói rằng mệt thì mệt thiệt nhưng Tiên thấy rất là “đã” vì làm được điều có ích cho cuộc sống. “Dù có vô vàn thứ mà mình chưa thể thích nghi ngay được nhưng mình nhìn mọi người, thấy mọi người làm được nên cũng nghĩ là mình sẽ làm được” - Tiên chia sẻ.

Từng đợt TNV tiếp theo sẽ âm thầm thay thế cho nhóm trước làm tiếp công việc đi canh rùa đẻ, nhặt rác trên bãi biển, trồng cây... để góp sức cùng các nhân viên ở VQG bảo tồn thiên nhiên.

Tình nguyện viên nhí sáu tuổi

Su (sáu tuổi) là cô bé TNV nhỏ tuổi nhất trong đợt đầu tiên. Su được cha mình là anh Việt dẫn đi cùng. Su cùng cha dựng lều và ngồi chờ rùa lên đẻ như các TNV khác. Vì lần đầu tiên nằm trên nền cát cả đêm nên sáng hôm sau thức dậy, Su bảo ê ẩm cả người và cứ nằm dài trong lều dù cha Việt đánh thức nhiều lần. Su bảo được cùng cha và mọi người canh rùa đẻ thì em thích lắm, dù mặt còn ngái ngủ khiến ai cũng cười. Anh Việt cho biết đây là lần thứ hai anh tham gia làm TNV. Lần đầu là anh đưa cô em gái ba tuổi của Su đi cùng.

“Cho các con tham gia những hoạt động như thế này thấy có ý nghĩa hơn. Các con sẽ hiểu và gần gũi với thiên nhiên nhiều hơn, đặc biệt là các con cũng tự có những trải nghiệm của riêng mình” - anh Việt chia sẻ.

________________________________

VQG Núi Chúa là một trong những bãi đẻ và nơi lớn lên của quần thể rùa biển hiếm hoi còn lại của vùng ven bờ đất liền Việt Nam. Đến nay đã thành lập hai tổ TNV cộng đồng tham gia bảo vệ rùa biển. Tại VQG Núi Chúa đã xây dựng tiêu bản về mô hình vòng đời của rùa biển để giáo dục môi trường. Xây dựng trung tâm cứu hộ rùa biển và sinh vật biển đang từng bước hoàn thành để đem vào công tác cứu hộ rùa biển và các sinh vật biển.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm