Không cắt móng tay… vì sợ ốm
Về đến Giao Yến, hỏi đến “dị nhân” để móng tay dài ai cũng biết. Một người dân nhiệt tình chỉ cho chúng tôi ngôi nhà của ông Lưu Công Huyền nằm ngay trên đường liên huyện. Nhìn ngôi nhà mái bằng khang trang cùng với hàng cây cảnh và thiết kế độc đáo cũng đủ biết, chủ nhân của ngôi nhà phải là người có con mắt thẩm mĩ.
Rất may cho chúng tôi là cả hai vợ chồng ông đều rảnh việc, ngồi ở nhà, bởi bình thường ông bà đều đi làm xa, có khi cả tuần mới trở về. Con cái đều đã khôn lớn, trưởng thành, người lấy chồng, người làm trên tận Hà Nội. Thấy khách tới thăm, cả hai ông bà đều niềm nở. Trong câu chuyện, gia chủ không ít lần tỏ vẻ hãnh diện với bộ móng tay độc nhất vô nhị của mình.
Dù đã nghe mọi người nói nhiều về bộ móng tay dài đến nửa mét của ông Huyền và chúng tôi cũng đã có những dự tính nhất định, nhưng khi ông Huyền rút bàn tay từ trong chăn ra, chúng tôi vẫn giật mình bởi chúng giống như những con giun, rắn bò ra từ đầu ngón tay ông. Các móng tay không thẳng mà có đoạn soắn, loằng ngoằng, cong vẹo, đen đúa. Đã hơn 30 năm, những ngón tay của ông không thể nắm vào, xòe ra một cách tự nhiên, nhìn như bị dị tật, lúc nào cũng thẳng đuỗn, đơ dại.
Ông Huyền làm nghề đắp vẽ hoa văn ở đền chùa, mồ mả ở nghĩa trang nên trên bàn tay và móng tay dính đủ các màu xanh đỏ, tím vàng, bởi nó không được cọ rửa sau thời gian lao động. Thấy chúng tôi tỏ vẻ ái ngại về những bất tiện do bộ móng tay mang đến, cầm chén trà nóng từ người vợ đưa cho, ông Huyền đều đều kể cho chúng tôi nghe về “sở thích” đặc biệt của mình: “Tôi sinh năm 1958, là con thứ 7 trong gia đình có 10 anh chị em. Từ nhỏ, tôi đã định theo nghề thầy cúng bắt ma của cha tôi. Việc để móng tay là bắt nguồn từ ý định đó, bởi muốn làm nghề này phải để móng tay dài, thuận tiện cho việc mở sách khi cúng lễ. Sau đó, cha tôi nói, làm cái nghề này thường “đắc đạo vô tâm”, không có hậu, nên tôi không theo. Tôi đã cắt bộ móng tay, lúc đó đã dài tới cả chục centimet, để dễ dàng lao động, sản xuất cùng gia đình”.
Có điều lạ mà theo lời ông Huyền kể là, sau khi cắt móng tay, ông đã gặp phải chuyện không hay. Liền sau đó, ông bị một trận ốm, đi viện cũng không tìm ra nguyên nhân. Sau này, kể cả trong lúc vô tình làm gãy móng tay, ông cũng ốm cả tuần lễ. Cho rằng việc để móng tay có liên quan trực tiếp đến sức khỏe của mình, nên dù vướng vất, khó chịu thế nào, từ đó ông Huyền cũng không dám động đến. Đến nay, đã hơn 30 năm trôi qua, ông luôn giữ gìn bộ móng tay như chính tính mạng của mình.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thuận (vợ ông Huyền) phụ họa thêm: “Nhớ lại thời gian đó, ông nhà tôi bị một trận ốm mất đúng một năm ròng. Sau này, có lần ông ấy chỉ bị gãy một cái móng tay mà cũng ốm liền mấy ngày, không ăn uống được gì và cũng không làm được gì. Vậy nên từ đó, không ai nhắc ông đi cắt móng tay nữa”.
Sở thích kỳ lạ cùng những phiền toái
Không biết từ lúc nào, việc để móng tay đã trở thành thú chơi cá nhân, ông Huyền kể: “Cái thú vui gì cũng phải kỳ công mới có ý nghĩa. Người ta chơi chim, chơi cây, chơi xe... thì tôi chơi móng tay dài. Chăm móng tay còn vất vả hơn chăm con mọn. Phải thật cẩn thận, kỳ công đến từng động tác thì mới giữ được”. Ông cho biết thêm, thời gian đầu, móng tay còn ngắn, người dân không để ý. Nhưng khi bộ móng tay dài khoảng 30cm, nhiều người nhìn thấy phát khiếp, có người sợ tái mặt. Trẻ nhỏ gặp ông cũng khóc thét lên vì sợ.
Kể từ đó, trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, gần như rất ít khi ông chạm tay vào nước, thậm chí không dám rửa tay sau khi lao động hoặc bị vấy bẩn, vì theo ông, móng tay dính nước sẽ bị mềm, rất dễ rụng. Đang trên đường, gặp trời mưa, ông phải cẩn thận ủ tay vào trong áo hoặc dùng túi nilon ủ hai bàn tay lại, không cho nước ngấm vào, mặc cho toàn thân ướt sũng.
Vì sợ móng tay rụng, ông không dám ngủ chung với vợ con, mà nằm một mình ở giường nhà ngoài. Khi ngủ, ông để hai chiếc gối bên cạnh và đặt bộ móng tay lên trên, tránh bị gãy. “Ban ngày, tôi làm việc, đi lại, đôi tay không có vấn đề gì. Nhưng cứ đêm đến đi ngủ là hai bàn tay lại tê buốt, đau nhức. Vì sở thích nên tôi vẫn phải cắn răng chịu đựng để giữ lại bộ móng tay. Khổ nhất là vào mùa đông, khi mặc quần áo dày, tôi phải loay hoay để bộ móng tay chui lọt qua tay áo. Nhiều hôm phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ mới mặc xong quần áo”, ông Huyền nói thêm.
Công việc tắm rửa hàng ngày của ông cũng rất hạn chế và đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của người vợ. Công đoạn mặc áo mới là nan giải nhất, vì móng dài lại loằng ngoằng nên ở hai cánh tay áo phải xẻ tà cho dễ mặc. Nhiều khi ăn uống, ông cũng phải nhờ người khác bón hộ. Điều này bất tiện nhất là trong những bữa tiệc đám đình, bởi ông luôn là tâm điểm chú ý của tất cả mọi người mỗi khi xuất hiện ở bất cứ nơi đâu. Ông Huyền kể: “Có lần do sơ suất nên tôi làm rụng một cái móng, sau đó tôi phát ốm, mất ăn mất ngủ vì tiếc. Cũng có lần, tôi bị tai nạn suýt chết chỉ vì cố giữ gìn bộ móng tay. Có người chẳng biết thật hay đùa bảo sẵn sàng bỏ ra 10 triệu đồng với điều kiện tôi cắt móng tay đi nhưng tôi đã thẳng thừng khước từ. Đã là thú vui thì có tiền trăm bạc vạn tôi cũng không đổi”.
Hiện nay, trong công việc hàng ngày, đi đâu làm gì, ông đều phải nhờ người phụ giúp. Vì thế, vợ ông trở thành người phụ tá bất đắc dĩ của chồng trong mỗi chuyến đi xa. Móng tay dài “quá khổ” nhiều lúc cũng gây phiền toái trong giấc ngủ hay những lúc sinh hoạt vợ chồng. Bà Thuận tâm sự: “Đã nhiều lần khuyên ông ấy nên cắt đi để tránh những bất tiện, nhưng ông nhà tôi cứ khăng khăng không chịu cắt. Với lại, ông nhà tôi để móng tay thì dường như không ốm, không đau bao giờ, chỉ cần khéo léo một chút là mọi việc sẽ hoàn thành. Chú thấy đấy, vợ chồng tôi vẫn hoàn thành được 4 đứa con đấy thôi…”, nói rồi, bà bẽn lẽn cười.
Mỗi năm, ông Huyền vệ sinh bộ móng tay khoảng 10 lần. Những lần vệ sinh móng, ông đều phải nhờ 2, 3 người giúp. Bàn tay của ông được đặt trên bàn, một người giữ móng để tránh bị gãy, một người dùng mảnh sành cạo nhẹ từng vết bẩn bám trong móng tay đến khi sạch.
Theo Hà Nam (Lao Động)