Những ngày nghỉ lễ vừa qua rơi vào đúng thời điểm mà nhiều tỉnh, thành phố đã được nới lỏng giãn cách xã hội. Tuy nhiên, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì dù cơ bản bệnh dịch đã được đẩy lùi nhưng mọi người không được chủ quan vì bệnh dịch có thể tái bùng phát bất cứ lúc nào.
Đông nghẹt người tại các điểm du lịch
Sau thời gian dài phải tạm ngừng hoạt động, nhiều địa điểm du lịch đã được mở cửa trở lại trong dịp nghỉ lễ 30-4. Tại các điểm du lịch như Đà Lạt hay tại các bãi biển xuất hiện tình trạng dòng người ùn ùn đổ xô về đây, kẹt xe kéo dài hàng giờ trên nhiều tuyến đường.
Đợt lễ vừa rồi có khách thuê tôi chở đi lên Đà Lạt để du lịch. Bình thường đi từ TP.HCM lên Đà Lạt mất khoảng tám giờ nhưng hôm rồi đi mất hơn chục giờ mà vẫn chưa đến nơi vì kẹt xe kéo dài, các xe di chuyển rất khó khăn.
Tưởng chừng sau khi được nới lỏng và vẫn phải đảm bảo các biện pháp phòng dịch nhưng lên đến nơi, nhìn cảnh tưởng Đà Lạt đông nghẹt người ở chợ đêm, quảng trường; có những người không đeo khẩu trang, quả thực tôi rất lo lắng. Mặc dù trong suốt đợt dịch vừa qua mọi người đã có ý thức hơn nhưng khi tập trung đông người mà mất kiểm soát như vậy thì rất đáng lo.
Anh TRẦN VĂN HIỂU, lái xe công nghệ
Quán nhậu cũng đông
Không chỉ tại các địa điểm du lịch, các bãi biển mọi người đổ xô về chơi lễ mà ngay tại TP.HCM, các quán nhậu cũng tập trung rất đông người.
Đi trên đường nhìn thấy một số quán trên đường Nguyễn Oanh (Gò Vấp), đường Phạm Văn Đồng (Thủ Đức) đông nghẹt người ăn nhậu giống như thời gian chưa có dịch. Trong khi đó TP.HCM đã chỉ đạo hoạt động kinh doanh ăn uống mặc dù được phép mở lại nhưng phải đảm bảo an toàn phòng dịch, không được tụ tập đông người.
Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo rằng các nước đã dỡ bỏ phong tỏa phải trong tâm thế sẵn sàng áp dụng phong tỏa nếu COVID-19 lây nhiễm mạnh trở lại. Tôi mong mỗi người trong quá trình giao tiếp, mưu sinh luôn cùng chủ động phòng, chống dịch như lúc dịch mới bắt đầu vào Việt Nam. Chỉ cần chúng ta lơ là, phải phong tỏa trở lại thì rất mệt mỏi.
Anh ĐỖ CÔNG NGỌC, giáo viên dạy tại một trung tâm Anh văn tại TP.HCM
Khu vực đài phun nước trung tâm thành phố Đà Lạt rất đông xe qua lại trong dịp lễ 30-4. Ảnh: TTXVN
Đừng chủ quan để rồi gánh hậu quả
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia thì mặc dù đã được nới lỏng giãn cách xã hội nhưng nếu chủ quan thì dịch bệnh có thể bùng phát lại bất cứ lúc nào.
Mới đây, nước ta xuất hiện lại nhiều ca dương tính lại sau khi được điều trị khỏi. Tại TP.HCM cũng đã ghi nhận sáu ca dương tính trở lại sau khi đã được điều trị khỏi, điều này đặt ra nhiều lo lắng khi mà đang có dấu hiệu mọi người chủ quan sau khi được nới lỏng giãn cách.
Dịp nghỉ lễ này tôi không đi đâu nhưng ở nhà nghe thông tin, đọc báo chí thấy nhiều nơi đã vỡ trận vì số lượng người kéo tới quá đông. Bên cạnh đó, sau khi được dỡ bỏ lệnh cách ly thì hàng quán cũng nhộn nhịp đón khách trở lại.
Dịch bệnh tại Việt Nam cơ bản đã được đẩy lùi nhưng không phải vì thế mà chúng ta chủ quan vì nó có thể bùng phát lại bất cứ lúc nào, bằng chứng là xuất hiện nhiều trường hợp dương tính lại sau khi đã được điều trị khỏi.
Chi bằng cùng chung tay một lần đẩy lùi dịch bệnh triệt để để yên tâm học tập, làm việc phát triển kinh tế, còn hơn là một phút lơ là, mất chủ quan để sau đó phải gánh hậu quả khôn lường.
Chị PHẠM THỊ VÂN ANH, nhân viên văn phòng
Đừng để tâm lý “xõa” thắng thế
Nhiều hàng quán, địa điểm du lịch được phép mở cửa trở lại không có nghĩa là nguy cơ lây nhiễm đã hết. Thay vào đó là chúng ta chiến đấu với dịch bệnh trong một tâm thế mới, một giai đoạn mới chứ không hẳn là hoạt động, sinh hoạt lại bình thường.
Hầu như ai cũng có tâm lý sau khi lệnh giãn cách được nới lỏng là kéo nhau đi “xõa” để giải tỏa sự bí bách ở trong người. Vì thế mà ngay sau khi TP.HCM được nới lỏng giãn cách xã hội người người, nhà nhà đổ xô đi chơi, đi ăn nhậu mà quên rằng bệnh dịch vẫn còn đó, nguy cơ bùng phát trở lại vẫn còn đó.
Mới đây, TP.HCM phải phong tỏa một chung cư ở quận 1 vì có bệnh nhân dương tính trở lại. Điều đó cho thấy mọi người đừng chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch COVID-19.
Chị NGUYỄN HẢI QUỲNH, sinh viên năm cuối ĐH Luật TP.HCM