Một chuyên gia Trung Quốc về các bệnh truyền nhiễm cảnh báo rằng châu Âu phải từ bỏ ý tưởng rằng dịch COVID-19 sẽ kết thúc sớm, thay vào đó hãy chuẩn bị cho một cuộc chiến có thể kéo dài tới hai năm.
Theo báo South China Morning Post (SCMP), cảnh báo này do chuyên gia Zhang Wenhong, trưởng nhóm các chuyên gia lâm sàng về COVID-19 của Thượng Hải (Trung Quốc), đưa ra trong bối cảnh các nước châu Âu như Ý, Tây Ban Nha và Đức đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm và số ca tử vong vì COVID-19.
Chuyên gia Trung Quốc cảnh báo châu Âu chuẩn bị cho một cuộc chiến với COVID-19 có thể kéo dài hai năm. Ảnh: EPA-EFE
“Sẽ là điều hoàn toàn bình thường nếu virus SARS-CoV-2 đến rồi đi và dịch có thể kéo dài trong khoảng một hoặc hai năm” - chuyên gia Zhang nói tại một hội nghị thông qua video do lãnh sự quán Trung Quốc tại TP Düsseldorf (Đức) tổ chức.
“Bây giờ tôi có thể nói với các bạn rằng hãy quên ý tưởng đại dịch này sẽ kết thúc ở châu Âu trong tương lai gần” - ông Zhang nói với khán giả hầu hết là người Trung Quốc và sinh viên tại Đức.
Chuyên gia Zhang - cũng là giám đốc khoa bệnh truyền nhiễm của BV Hoa Sơn thuộc ĐH Phúc Đán (Thượng Hải) - trước đó dự đoán rằng dịch COVID-19 ở Trung Quốc sẽ lên đỉnh điểm trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 trước khi suy yếu vào mùa hè, rồi sau đó thỉnh thoảng quay trở lại vào mùa thu, mùa đông và rồi bùng phát trở lại vào mùa xuân tới mặc dù có thể với quy mô nhỏ hơn.
Tuy nhiên, hiện dịch COVID-19 đang bùng phát thành đại dịch nên không thể tránh khỏi chuyện nó sẽ kéo dài trong một khoảng thời gian nữa và việc chính xác khi nào có thể kiểm soát được dịch bệnh - trong mùa hè này hay năm tới - sẽ phụ thuộc vào nỗ lực toàn cầu trong việc ngăn chặn dịch, ông Zhang nhận định.
“Để giải quyết dịch bệnh này trong một khoảng thời gian ngắn, các biện pháp phải cực kỳ triệt để” - ông Zhang nói. Ông cho biết thêm Trung Quốc đã có thể áp đặt lệnh phong tỏa thành phố trên diện rộng nhờ vào thực tế là dịch COVID-19 bùng phát vào kỳ nghỉ tết Nguyên đán, khi trường học và doanh nghiệp đã đóng cửa.
“Nếu toàn thế giới có thể ngừng di chuyển trong bốn tuần, đại dịch có thể chấm dứt. Nhưng tôi không thể tưởng tượng được sự đình chỉ toàn cầu bao giờ có thể xảy ra. Ngay cả ở Đức hay châu Âu” - ông Zhang nói.
Một phụ nữ dắt chó đi dạo qua quảng trường Piazza del Popolo vắng du khách ở Ý. Ảnh: REUTERS
Ở một số khu vực của châu Âu có dịch nghiêm trọng, chẳng hạn như miền Bắc nước Ý, các biện pháp nghiêm ngặt như phong tỏa, giới nghiêm và đóng cửa trường học đã được áp dụng.
Tuy nhiên, nếu không có các hành động đồng thời trên thế giới, những quốc gia đang áp dụng các biện pháp kiểm soát vẫn sẽ phải đối mặt nguy cơ lây nhiễm nhập khẩu như Trung Quốc đã phát hiện, ông Zhang cảnh báo.
Khi dịch COVID-19 lan rộng hơn và số ca tử vong tăng lên, các chính phủ có thể sẽ thay đổi chiến lược của họ và đưa ra các biện pháp cách ly ở mức cao hơn, ông Zhang nói tiếp.
“Tôi nhìn thấy một xu hướng tích cực rằng các chính phủ đang ngày càng chủ động hơn. Miễn là các chiến lược của tất cả quốc gia trở nên mạnh mẽ hơn, việc kiểm soát hiệu quả đại dịch này chỉ là vấn đề thời gian” - ông Zhang nêu ý kiến.
Ý, Tây Ban Nha tuyên chiến với COVID-19
Ý là quốc gia có dịch nghiêm trọng nhất ở châu Âu khi có tới 5.476 ca tử vong vì COVID-19 và 59.138 ca nhiễm tính tới nay. Ý ghi nhận số ca tử vong cao hơn cả Trung Quốc (3.270 tính đến hết ngày 22-3) - nơi khởi phát dịch COVID-19.
Chính phủ Ý tiếp tục các biện pháp mạnh hơn trong việc kiểm soát đại dịch tại nước này. Người dân nước này tiếp tục bị cấm di chuyển qua các thành phố khác, nếu không có lý do hợp lý như kinh doanh, sức khỏe hay vấn đề khẩn cấp.
Siêu thị, ngân hàng, nhà thuốc và bưu điện được phép hoạt động trong thời gian này nhưng vẫn tuân theo các quy định mới.
Theo kênh Al Jazeera, ông Domenico Arcuri, người đứng đầu nỗ lực cứu trợ virus Corona của chính phủ Ý, nói với đài RAI rằng Ý đang “chiến tranh” với virus SARS-CoV-2.
Nhân viên y tế chuẩn bị nhận các bệnh nhân nhiễm COVID-19 đầu tiên tại Trung tâm triển lãm Ifema ở Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: GETTY
“Tất cả cuộc chiến đều được chiến thắng theo hai cách, bằng quân đội riêng của nước đó và bằng sự giúp đỡ từ các đồng minh của nước đó” - ông Arcuri nói.
Các quốc gia khác cũng đang tăng cường các nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19, yêu cầu người dân ở nhà.
Tây Ban Nha - nước thứ hai ở châu Âu ảnh hưởng nặng vì dịch COVID-19, lên kế hoạch kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia tới ngày 11-4 sau khi ghi nhận hơn 1.700 ca tử vong.
“Chúng tôi đang có chiến tranh” - Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói tại một cuộc họp báo. Ông Sanchez kêu gọi châu Âu mở một chương trình đầu tư công lớn và có sự phối hợp giống như Kế hoạch Marshall hậu Thế chiến II.
Tính đến 10 giờ 34 phút ngày 23-3, theo SCMP, thế giới có 332.481 ca nhiễm COVID-19 và 14.591 ca tử vong.