Chống dịch COVID-19, nhưng đừng lơ là sốt xuất huyết

Vừa qua, 120 hộ dân tại thôn Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) bị một phen lo lắng vì trên địa bàn có một bệnh nhân sốt cao lâu ngày không khỏi. Trước đó, bệnh nhân này đi từ Nghệ An vào Hà Nội, đến ngày 22-4 có biểu hiện mệt mỏi, ho, sốt, uống thuốc không khỏi.

Không nghĩ mắc sốt xuất huyết

Nghi ngờ các dấu hiệu giống bệnh nhân nhiễm COVID-19, ngành y tế đã làm xét nghiệm và kết quả cho thấy bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) chứ hoàn toàn không phải do COVID-19. Đáng nói, trường hợp bệnh nhân do nhập viện trễ nên đã chuyển sang tình trạng bội nhiễm, điều trị khó khăn hơn.

Tương tự, nửa tháng trước, có những dấu hiệu mệt mỏi, sốt vài ngày không khỏi, bà Đỗ Thị Minh (ngụ khu phố 6, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM) ban đầu chỉ nghĩ mình bị sốt thông thường nên tự mua thuốc về uống nhưng không thuyên giảm. Đi khám tại BV quận Tân Phú, bà Minh được làm xét nghiệm và chẩn đoán SXH, cho điều trị ngoại trú.

Bà Minh chia sẻ từ khi mắc bệnh, bà có ý thức quan tâm phòng, chống căn bệnh này nhiều hơn như thường xuyên thay nước hồ cá, bình hoa và nhắc nhở hàng xóm vệ sinh nhà cửa. Do nhà có cháu nhỏ nên bà từng từ chối cán bộ phun thuốc diệt muỗi nhưng nay bà đã chủ động báo trạm y tế phường để được xếp lịch phun hóa chất định kỳ. Bà Minh là một trong bảy trường hợp mắc SXH trên địa bàn phường Tân Quý từ đầu năm 2020 đến nay.

BS Lâm Phước Trí, Trưởng Trạm y tế phường Tân Quý (quận Tân Phú), cho biết các ca bệnh chủ yếu là người dân lao động đi làm việc, buôn bán ở nhiều nơi trong khi tại chỗ ở thì sạch sẽ nên khó xác định khu vực nào truyền bệnh.

“Thời gian qua, vừa tập trung tuyên truyền phòng ngừa dịch COVID-19, chúng tôi cũng không lơ là tuyên truyền phòng, chống SXH bởi dịch bệnh này không phải theo mùa mà lưu hành quanh năm. Tất cả các điểm có nguy cơ phát sinh lăng quăng chẳng hạn như bãi giữ xe, công trình xây dựng chuẩn bị khởi công chúng tôi đều buộc phải có cam kết, nhắc nhở nhiều lần sẽ bị xử phạt” - BS Trí thông tin.

Cán bộ Trạm y tế phường Tân Quý, quận Tân Phú đi kiểm tra và xử lý các điểm có nguy cơ phát sinh lăng quăng. Ảnh: HL

Ca bệnh SXH tăng dần

Các chuyên gia cảnh báo thời điểm hiện nay, người dân quan tâm phòng ngừa dịch COVID-19 là tốt nhưng không nên lơ là phòng ngừa các dịch bệnh khác như SXH, tay-chân-miệng (TCM).

Tại BV Nhi đồng 1, TS-BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa SXH, cho biết thời gian gần đây, khoa tiếp nhận lẻ tẻ một số ca bệnh, không có nhiều ca nặng. Nhìn chung số ca bệnh đang ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, BS Tuấn cũng lo ngại số ca bệnh chưa phản ánh đúng thực tế bởi dịch bệnh COVID-19 khiến người dân ngại đi khám bệnh hoặc phòng ngừa COVID-19 chung nên dịch bệnh khác cũng được kiểm soát. Tuy nhiên, theo BS Tuấn, thời điểm TP.HCM vào mùa mưa, các ca bệnh sẽ có xu hướng gia tăng và thường lập đỉnh vào tháng 9.

Theo đó, BS Tuấn khuyến cáo: “Sốt từ hai ngày trở lên kèm theo người mệt mỏi, đau nhức mình mẩy, buồn nôn, ăn uống kém, da sung huyết ửng đỏ; trong nhà hoặc xung quanh có người mắc bệnh SXH thì cần nghi ngờ cảnh giác coi chừng có khả năng mình bị bệnh và nên đi khám. Triệu chứng mắc SXH giai đoạn đầu thường khó phân biệt, nhất là đối với con nít. Trẻ con có thể bị nhiễm SXH đồng thời với bệnh khác như viêm họng, nhiễm siêu vi. Do đó, cha mẹ nên để ý thêm các dấu hiệu của con như ăn uống kém, lừ đừ, buồn nôn, da có thể ửng đỏ... để đưa con đi khám sớm” - BS Tuấn nêu.

TP.HCM có hơn 10.000 điểm nguy cơ

Theo thống kê hằng năm, TP có hơn 10.000 điểm nguy cơ gây dịch SXH, chẳng hạn các điểm tập trung đông người như trường học, công sở, nhà trọ, các công trình xây dựng, nơi tập trung cơ sở tôn giáo. 

Về diễn biến của từng loại dịch bệnh, BS Lê Hồng Nga, Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết mặc dù giai đoạn từ tháng 3, 4 đến tháng 6 chưa phải là cao điểm của dịch SXH nhưng nguy cơ các ổ dịch luôn hiện hữu và sẽ tăng dần khi mùa mưa đến. Do đó, việc phòng ngừa dịch bệnh phải được quan tâm phòng ngừa sớm ở giai đoạn thấp điểm.

BS Nga cho rằng nguy cơ gây dịch SXH ở trong mỗi gia đình bởi nhà nào cũng có vật chứa ổ lăng quăng. “Chỉ cần để quên một cái chén bể, một chiếc ly bên hông nhà cũng đủ để lăng quăng phát triển thành muỗi truyền bệnh” - BS Nga kêu gọi sự chung tay của từng hộ gia đình.

Về TCM, BS Nga lưu ý loại dịch bệnh này thường phụ thuộc vào sự lưu thông của trẻ em. Nếu như với dịch COVID-19, trẻ em nghỉ ở nhà nhiều hơn thì nếu dịch bệnh có cũng chỉ gây cụm bệnh. Tuy nhiên, khi trẻ quay trở lại trường học, có sự giao tiếp với nhau nhưng không chú ý giữ vệ sinh, rửa tay thì dịch sẽ quay lại theo mùa. BS Nga nhận định nếu phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 tốt ở trường học thì dịch TCM cũng sẽ giảm theo. Tương tự, các bệnh có đường lây qua tiếp xúc gần như tiêu hóa, hô hấp, các bệnh vặt ở trẻ em cũng sẽ giảm.

Các phụ huynh nên thường xuyên vệ sinh nhà cửa, lau chùi tay nắm cửa, bề mặt, ngâm đồ chơi bằng dung dịch khử khuẩn chloramine B hoặc Javel pha loãng.

Cảnh báo nhiều loại dịch bệnh gia tăng

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần 17 và 18 của năm 2020, trên địa bàn TP ghi nhận 186 ca mắc SXH với 10 ổ dịch được phát hiện ở 7/24 quận, huyện (có từ hai ca mắc SXH trở lên trong phạm vi bán kính 200 m).

Số ca bệnh TCM cũng đang có xu hướng gia tăng với 25 ca mắc trong hai tuần 17 và 18. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm