Năm 1962, để bảo vệ phái đoàn ngoại giao tham dự Hội nghị Giơnevơ về Lào tại Thụy Sỹ, Bộ Công an đã điều ông Huỳnh Anh lúc đó là Vụ phó Vụ Bảo vệ chính trị sang Vụ Phái khiển để tham gia cùng đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tham dự hội nghị “vòng ngoài”.
Người khách Á Đông
Công việc của ông thoạt nhìn tương đối nhàn nhã chỉ quanh quẩn thành phố Giơnevơ của đất nước Thuỵ Sỹ xinh đẹp nhưng thực ra mục tiêu tối thượng của chuyến đi này mà ông phải hoàn thành lại ở tận biên giới giáp nước Ý.
Được sắp xếp ở biệt thự Château Blanc (ông Chín Huỳnh tạm dịch là “Bạch Các”-NV), mỗi ngày sau khi ở Hội nghị về ông đều thức trắng đêm để điều nghiên kỹ đường đi nước bước đến biên giới Thuỵ Sỹ – Ý. Theo nhiệm vụ được phân công, ông Chín Huỳnh sẽ gặp “người khách du lịch Á Đông từ Paris sang”. Bí mật lên đường, ở trọ ba ngày trong một khách sạn nhỏ gần biên giới với vỏ bọc là khách từ Đài Loan sang du lịch. Sau khi gặp mặt “người khách Á Đông” Diệp Sơn (tức Thiếu tướng tình báo, Tiến sỹ Nguyễn Đình Ngọc, sau này công tác ở Bộ Công an) để truyền đạt chỉ thị và giao nhiệm vụ của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn và đặc biệt là giao cho Diệp Sơn Cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam.
Qua Diệp Sơn, bản cương lĩnh trên đã được in ra và gởi cho 17 nguyên thủ quốc gia các nước đang dự họp tại Beograde. Điệp vụ phối hợp giữa hai chiến sĩ tình báo Huỳnh Anh và Diệp Sơn được đánh giá là đã phục vụ tốt yêu cầu tuyên truyền đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam trên trường quốc tế.
Bài thơ tứ tuyệt của vị khách Đài Loan
Ông Chín Huỳnh lúc ở Thụy Sỹ. Ảnh: Tư liệu
Trở lại điệp vụ ở Thụy Sỹ, sau khi đã trao cương lĩnh và làm việc xong với Diệp Sơn, chuẩn bị hành lý trở lại Giơnevơ thì tình huống bất ngờ xảy ra.
Bà chủ khách sạn đưa ra cuốn sổ lưu niệm yêu cầu người khách ghi lại cảm tưởng sau mấy ngày lưu trú. Nguyên tắc không cho phép để lại bút tích, nhưng nhờ vốn chữ Hán và đã giới thiệu từ Đài Loan sang nên ông mạnh dạn cầm bút viết luôn bài thơ tứ tuyệt bằng chữ Hán của Không Lộ Thiền Sư, rồi dịch ra tiếng Pháp. Người chủ khách sạn rối rít cám ơn về bài thơ có nét chữ rồng bay phượng múa của vị “khách Đài Loan”; Diệp Sơn vội vã về Pháp còn ông tranh thủ rút nhanh!
Vì bảo mật, bài thơ ra đời bất đắc dĩ được giữ kín mãi đến tháng 9/1989 tức 28 năm sau, gặp lại “người khách Á Đông” đã hoàn thành nhiệm vụ trở về; hai vị tướng đã dịch và chuyển “quốc tịch” cho bài thơ: “Chọn đất đầu rồng cảnh đẹp thay – Thú vui thôn dã suốt đêm ngày – Lúc hứng trèo lên tận chót đỉnh – Cười vang một tiếng lạnh bầu trời” . Cũng trong thời gian ở Giơnevơ, nhân dịp 19/5 Sinh nhật Bác, ông Chín Huỳnh đã làm một bài thơ gởi về. Năm 1974, khi có mặt tại Hà Nội mới được Tổ chức Bộ Công an cho biết bài thơ trên đã được gởi cho ông Vũ Kỳ đọc cho Bác nghe nhân sinh nhật. Vị tướng già bồi hồi “đó là vinh dự lớn và hoàn toàn bất ngờ đối với tôi”.
Sau điệp vụ Thuỵ Sỹ, ông còn có mặt ở Lào, Campuchia, Thái Lan rồi sau đó mới xin vào Nam chiến đấu. Bước chân ông đã in dấu ở Trường sơn; Dương Minh Châu, Chiến khu Đ… nối liền giữa Hà Nội và Tây Ninh, nơi Ban An ninh cục và Trung ương Cục miền Nam đặt Tổng hành dinh và là nơi ông giữ chức Uỷ viên Ban An ninh Cục Miền Nam. Ngoài năng lực công tác, ông còn là người làm thơ rất giỏi và khôi hài. Đói, hết gạo ông cũng làm thơ, thiếu muối, bị thương ông cũng sáng tác với đầy niềm cảm hứng. Tính đến nay ông Chín Huỳnh đã có hàng trăm bài thơ với bút hiệu Tùng Hiên.
Đất nước thống nhất, người sĩ quan Công an Huỳnh Anh được cử về nơi gần nửa thế kỷ trước mình từng làm quan để nhận chức Trưởng Ty, sau này là Gíam đốc Công an tỉnh Thuận Hải với cách thu phục nhân tâm độc đáo của mình
"Đem trí nhân mà thay cường bạo"
Thuận Hải, những năm đầu sau 1975 là một vùng đất hết sức phức tạp; dưới biển nạn vượt biên ồ ạt; trên rừng nhiều tổ chức Fulro nhen nhóm thành lập “mặt trận giải phóng”.
Hơn 60 tuổi, nhưng một lần nữa người sĩ quan Công an vẫn chưa được nghỉ ngơi mà tiếp tục bước vào cuộc chiến mới. Bà Chín Loan, lúc đó than thở kể lại “hồi đó không có đêm nào mà ổng có mặt ở nhà, hết lên rừng lại xuống biển”. Vị tướng già nhìn vợ cười rồi thanh minh: “công việc hồi đó nhiều lắm, địa bàn lại rộng nên tranh thủ công tác ban đêm còn ban ngày về trụ sở để giải quyết công việc”.
“Súng về, người về, tư tưởng về” hay “Người đi gọi có công, kẻ trở về miễn tội” là những kế sách mà ông Chín Huỳnh đề ra để tiểu trừ tập đoàn Fulro. Ít đạn, kiệm lời nhưng hành động bằng cách “đem trí nhân mà thay cường bạo” của ông đã khiến ông trở thành một nhân vật huyền thoại mà những người chống đối dù tàn bạo nhất cũng phải kính phục.
Ông Chín Huỳnh (bìa phải) trong một điệp vụ ở Lào. Ảnh tư liệu
Đàng Thị Trào, một “nữ tướng” Fulro khét tiếng bị thương, ông cho người ra rừng đưa về chăm sóc y tế cẩn thận rồi nhận luôn Trào làm con nuôi! Hồi đó chỉ cần lý lịch có “sản phẩm cũ” một chút là xin việc đã khó khăn huống chi Trào, nhưng ông vẫn lấy danh dự ra bảo lãnh cho Trào làm cô giáo dạy trẻ. Trước ngày nhận việc, ông dặn “ở rừng quen, khi dạy trẻ phải tập nhẹ nhàng yêu thương, con mà đánh trẻ là ba kỷ luật”. Đàng Thị Trào đã làm tốt công việc của mình; sau đó ông Chín đã xin cho “nữ tướng” một thời làm cán bộ thương nghiệp, rồi lấy chồng sinh con. Gia đình nào có người theo Fulro vừa bị tiêu diệt, dù nguy hiểm nhưng lúc nào ông cũng có mặt trực tiếp đến phúng điếu chia buồn.
Độc đáo nhất là cuộc nói chuyện “tay đôi” ở bìa rừng với Trượng Thành Duyên – một sĩ quan Fulro đêm 30 Tết năm 1977.
Trước 1975, Trượng Thanh Duyên là giáo viên dạy học tại thôn Hiếu Thiện, xã Phước Nam, Ninh Phước (Ninh Thuận). Người thầy giáo nghe tuyên truyền nên bỏ trốn lên rừng, được Fulro tấn phong cho chức Chính trị viên trung đoàn. Ngày 28 tết năm 1977 trong một trận đánh tại khu vực rừng núi Ninh Phước, ông Duyên bị thương đang lẩn trốn ở khu rừng thôn Hiếu Thiện và dù đang bị thương nặng nhưng nhất định không chịu về đầu thú. Sau rất nhiều lần thương thuyết, cuối cùng Duyên đề nghị: Cho anh ta được trực tiếp gặp “ông già Chín” ngay tại sào huyệt của Fulro.
Tổ chức rồi rất nhiều người can ngăn ông Chín không nên vào ngay hang ổ của đối phương vì vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên sau nhiều cuộc họp bàn, ông Chín vẫn quyết định chạm trán vì khẳng định nếu gặp, thuyết phục được Duyên bỏ vũ khí sẽ có biết bao người không phải đổ máu nữa.
Vào đúng đêm 30 tết năm 1977, trời tối đen như mực, chỉ còn ít giờ nữa là đến giao thừa, ông Chín Huỳnh cùng 5 cận vệ đã vào tận rừng Karon, tìm gặp Trượng Thanh Duyên.
Trời tối đen, trong ánh sáng bập bùng yếu ớt của những thanh củi đốt giữa rừng, Thiếu tướng Chín Huỳnh nói nhiều về sự lầm lỡ của những người bỏ trốn lên rừng. Đặc biệt là chính sách: “Người đi gọi có công, người trở về xóa tội”. Sau hơn một giờ đồng hồ nói chuyện, đã bước sang năm mới, lúc này Trượng Thanh Duyên đề nghị, nếu anh ta trở về xin được không bị bỏ tù, không trả thù và không bị truy bức. Ông Chín đứng thẳng người, lấy mạng sống của mình đảm bảo tất cả đều tự do, có quyền chọn ngày trở về và tất cả sẽ không có ai bị áp giải.
Sáng hôm đó mùng 1 Tết, ông Trượng Thanh Duyên cùng toàn bộ số cốt cán Trung đoàn Potholgiara mang vũ khí về và vài ngày sau, chỉ sau Thiên Sạn, Tiểu đoàn trưởng Fulro Posahnư cùng nhiều người ở các tiểu đoàn khác ở Thuận Hải đều chấp nhận cùng mang vũ khí trở về giao nộp. Huỳnh Ngọc Sắng, chỉ huy cao nhất của Fulro sau đó cũng bị bắt giữ tại bến xe Phan Thiết; hai tiểu đoàn Fulrô xem như bị xoá sổ. Nhiều hàng binh sau này đã xem ông Chín là ân nhân, họ rất ngưỡng mộ ông vì ông đã lo cho nhiều người có việc làm, vợ con họ hoà nhập với cộng đồng mà không bị phân biệt đối xử.
Giữa mình, giữ lòng
Vui chuyện, tôi hỏi ông “bao nhiêu năm nắm quyền lực trong tay, có bao giờ ông đã nhận quà trên mức tình cảm chưa?”
Năm 1986, Thiếu tướng Huỳnh Anh về hưu ở tuổi 73. Sau đó ông đã viết ngay một bản kiểm điểm gởi cho ông Huỳnh Lắm ở Đà Nẵng (nguyên trưởng Ty Công an Quảng Nam; nguyên Phó viện trưởng VKSND tối cao). Ông Lắm chính là người mà tháng 6-1946 đã giới thiệu ông vào Đảng, nhờ tiếp tục giám sát sự trong sạch của đảng viên Huỳnh Anh đến cuối đời. Năm 2010, ông được Chủ tịch Nguyễn Minh Triết ký truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT |
Vị tướng già không giận mà còn cười sảng khoái “Tôi về hưu với hai bàn tay trắng suốt đời có nhận của ai cái gì đâu. Chỉ có căn nhà cấp bốn này là được nhà nước hóa giá cho”. Căn nhà của vợ chồng ông mới cách đây vài năm thôi đã dột nát lắm; la- phông bằng giấy lâu lâu lại rớt xuống như răng ông lão. “Ai vô nhà cũng ngạc nhiên khi bả sắp một dây bảy, tám cái thau để hứng nước dột”, ông Chín kể. Giặc nào cũng đánh được nhưng “ông dột” thì thua, vậy là vợ chồng ông Chín bàn nhau cắt nửa vạt đất bán đi để có tiền sửa nhà.
Bà Chín nhớ lại “người ta mang một con gà trống đến biếu, ai ngờ ổng không nhận mà còn đòi đưa ra Công an phường lập biên bản!” Thời bao cấp, nhiều Giám đốc Công an ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tới thăm, thấy ông tướng già ăn khoai mì, khoai lang liền ngỏ ý gởi cho bao gạo, ông gạt ngay “tôi thích ăn mì, ăn ghế quen rồi” và từ chối thẳng. Ông Chín cho biết, trước đây Công an Thuận Hải bắt vượt biển thu vàng vòng hết bao này đến bao nọ, nhưng ông cấm tuyệt đối không đưa về kho của Công an mà phải lập biên bản giao ngay cho bên tài chính. Vị tướng già nói: “Dính vào vàng bạc mệt lắm, vì vậy khi Bộ về kiểm tra ở đâu thì bị chứ ở đây thì tuyệt đối không tơ hào một phân”.
Các con của ông giờ đều thành đạt, một người trước đây là Đại biểu Quốc hội (đơn vị Ninh Thuận), hai là sĩ quan Công an và một là giáo viên. Hàng năm cứ Tết đến là tập trung đoàn tụ đón xuân để nghe vị tướng về hưu nói về chuyện giữ mình, giữ lòng cho trong sạch. Ông Chín cho biết đầu năm 2005, ông xin xuất bản được một tập thơ 300 cuốn và đó là kỷ niệm, là tài sản để lại cho vợ con. Vị tướng khẳng khái nhận xét “văn thơ của tôi không ra sao đâu, nhưng nó là sản phẩm tâm tư tình cảm của chính mình, một loại tài sản mà kẻ gian không màng đánh cắp. Ngay giữa các con tôi cũng sẽ không xảy ra tranh chấp gì, mà phỏng như có sự giành nhau đó thì tôi không những lo ngại, trái lại càng thanh thản và tự hào”. |