Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam cho biết những ngày cao điểm Tết Nguyên Đán 2024, lượng khách về quê đón tết qua sân bay Tân Sơn Nhất tăng đột biến, nhà ga thường xuyên đông đúc.
Theo số liệu thống kê, sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ hơn 130.000 hành khách/ngày, cá biệt ngày 5-2 đạt 133.718 khách tương đương hơn 915 chuyến bay/ngày.
Dự kiến, số chuyến bay sẽ tiếp tục tăng và có thể đạt 960 chuyến/ngày sau tết từ ngày 15 và 16-2.
Ngày 27-2 (ngày 28 tết), sân bay Tân Sơn Nhất khai thác 900 chuyến bay, trong đó 764 chuyến bay chở khách, 119 chuyến bay rỗng và 19 chuyến bay chở hàng hóa. Lượng hành khách rời sân bay gần 90.000 người.
Dù lượng khách tăng gấp 2-3 lần so ngày thường, nhưng nhà ga thông thoáng, trật tự, tỉ lệ các chuyến bay đúng giờ cao so những ngày đầu tháng 2, khi các sân bay phía Bắc có sương mù dày đặc khiến 660 chuyến bay delay.
Với số lượng chuyến bay tấp nập, Trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân Tân Sơn Nhất đã điều hành mỗi giờ khoảng 40 chuyến bay liên tục từ 6 giờ sáng đến 24 giờ đêm.
Đặc biệt, có những khung giờ lên đến 48 chuyến bay, tiệm cận chỉ số giới hạn năng lực khai thác đường băng, đường lăn của sân bay Tân Sơn Nhất.
Trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân Tân Sơn Nhất đánh giá hiện sân bay Tân Sơn Nhất có hai đường băng song song cách nhau 360m nên chỉ khai thác phụ thuộc vào nhau, gần như một đường băng.
So sánh với các sân bay đông đúc nhất trên thế giới như: Sân bay Changi Singapore, sân bay Hồng Kông, sân bay Detroit Metropolitan USA, sân bay Shanghai Pudong Trung Quốc…. thông thường có hai đường băng song song khai thác độc lập hoặc có từ 3-6 đường băng cộng với số lượng lớn đường lăn thoát ly nhanh, trang bị các công nghệ hiện đại hỗ trợ điều hành bay.
Như vậy, việc điều hành thực tế đạt 48 chuyến/giờ tại sân bay Tân Sơn Nhất là một chỉ số rất cao.
Để điều hành số lượng lớn chuyến bay trong dịp cao điểm vừa qua đảm bảo các yếu tố an toàn, nhanh chóng, giảm thiểu đến mức tối đa sự chậm trễ, lực lượng kiểm soát viên không lưu (KSVKL) đã tập trung cao độ trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Các KSVKL đã phối hợp hiệp đồng điều hành bay hiệu quả, điều tiết luồng không lưu ngay từ giai đoạn bay đường dài cho đến giai đoạn tiếp cận và hạ cánh lăn vào sân đỗ, cùng với việc tạo giãn cách hợp lý giữa các chuyến bay đến để đẩy nhanh quá trình cất cánh, giải tỏa ách tắc tại sân bay.
Điều này đòi hỏi KSVKL phải có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng dẫn dắt tàu bay, kỹ năng xử lý tình huống, đưa ra quyết định chính xác trong việc cấp huấn lệnh cho máy bay cất, hạ cánh.
Mặc dù mật độ hoạt động bay đông đúc nhưng sân bay Tân Sơn Nhất vẫn duy trì hoạt động ổn định, không xảy ra tình trạng ùn ứ.