Công ty Dịch vụ Bảo vệ an ninh TC, quận Bình Thạnh, TP.HCM vừa ra mắt nhóm nhân viên giám sát bảo vệ kiêm bắt cướp (chúng tôi tạm gọi là “hiệp sĩ”).
Ông Bùi Anh Sơn, Tổng Giám đốc công ty này, cho biết ông thành lập một đội “hiệp sĩ” này bởi công ty đã bị mất trộm quá nhiều xe. “Chúng tôi là công ty bảo vệ mà việc mất xe cứ diễn ra thường xuyên, thử hỏi người dân bình thường sẽ thế nào’’.
Đã chiêu mộ được tám người
Những “hiệp sĩ” này có nhiệm vụ giám sát các nhóm bảo vệ của công ty đang làm việc ở các tòa nhà, công ty và siêu thị... Thời gian rảnh thì chia nhau chạy xe trên đường, phát hiện các đối tượng giật đồ của người dân thì đuổi bắt. Điều kiện đặt ra cho những người này là phải đảm bảo an ninh trên đường phố, không gây tai nạn cho người đi đường, không được thông đồng với cướp để lấy tài sản, sau khi bắt được phải gọi điện thoại cho công an gần nhất bàn giao đối tượng để họ xử lý theo pháp luật.
Hiện nay, công ty đã chiêu mộ được tám “hiệp sĩ”, trong đó hầu hết là võ sư. Bên cạnh việc được đóng bảo hiểm và trả lương hằng tháng, nhóm người này được công ty trang bị bốn chiếc xe phân khối lớn, các công cụ bảo vệ như roi điện... Mỗi khi có ai trong nhóm bắt được cướp sẽ được công ty trao thưởng.
Ông Sơn cho biết việc tuyển chọn các “hiệp sĩ” theo tiêu chí: Người đó phải có tâm, có đạo đức tốt, giỏi võ, biết chạy xe phân khối lớn, am hiểu đường phố, biết phân tích tình hình, đặc biệt là có đam mê bắt cướp giúp dân.
Các “hiệp sĩ” của Công ty TC được trang bị xe và các dụng cụ để đi bắt cướp. Ảnh: NT
“Đang xin giấy phép”
Ông Sơn cho biết phía công ty đang làm hồ sơ để đi xin giấy phép cho hoạt động của nhóm “hiệp sĩ” được trở nên chính quy nhưng chưa biết xin ở cơ quan nào là hợp lý. “Làm việc này phải có giấy phép, được cơ quan có thẩm quyền đồng ý thì mới mạnh tay mà làm được. Tôi hay dặn các “hiệp sĩ” cẩn trọng kẻo rước họa vào thân’’.
Ông Sơn đang lên kế hoạch sau khi được cấp giấy phép, công ty sẽ mua thêm xe, các dụng cụ bắt cướp và sẽ mời gọi thêm “hiệp sĩ” tham gia.
“Chúng tôi sẵn sàng đón nhận các “hiệp sĩ” đường phố hiện nay gia nhập vào công ty. Khi làm việc này, tôi cũng chỉ mong rằng tình trạng cướp giật, trộm cắp ở thành phố thuyên giảm, an ninh trật tự xã hội được đảm bảo’’.
Trao đổi cùng chúng tôi, Thiếu tá Trần Ngọc Đoàn, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an quận Bình Thạnh, cho biết tinh thần “hiệp sĩ” nói trên là rất đáng khen ngợi vì góp phần khắc phục được tình trạng cướp giật đang lộng hành hiện nay. Tuy nhiên, đến nay Công an quận Bình Thạnh chưa nhận được thông tin về chương trình “hiệp sĩ” đường phố được trả lương mà phía công ty đề ra.
Ông Sơn cũng cho biết do chưa xác định được việc xin giấy phép ở đây nên chưa báo với cơ quan công an ở địa phương.
Một kiểm sát viên tại TP.HCM cho rằng do hoạt động của các “hiệp sĩ” này được công ty trả lương mà lại liên quan đến an ninh trật tự nên rất khó để xin được giấy phép. Việc bắt cướp, bảo vệ an ninh trật tự là việc của công an, lực lượng vũ trang, nếu cấp giấy phép cho người dân làm chuyện này thì không ổn chút nào.
Bất kỳ người dân nào thấy hành vi phạm tội quả tang (như cướp giật, trộm cắp…), người bị truy nã… đều có quyền bắt giao công an trong khả năng của mình. Vì thế, mọi người dân hãy cứ việc là “hiệp sĩ” theo đúng tinh thần của hai từ này, đâu cần đợi đến giấy phép.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn TP.HCM vào đầu tháng 3 vừa qua, các lãnh đạo nêu nhiều giải pháp để kéo giảm tội phạm. Đáng chú ý là đề xuất nghiên cứu thành lập các câu lạc bộ phòng, chống tội phạm. Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết TP.HCM không tổ chức đại trà mà chỉ những người có khả năng, điều kiện và tình nguyện tham gia thì TP sẽ tạo điều kiện cho họ phát huy với tư cách là thành viên tích cực trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Phía công an sẽ xem xét tất cả khía cạnh về hình thức tổ chức, thẩm quyền, quy trình, trình tự, cơ chế vận hành... của câu lạc bộ phòng, chống tội phạm. ___________________________ Khi thành phố đang vận động người dân cùng tham gia bắt cướp để giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội thì cách làm của Công ty TC là đáng khen ngợi. Tuy nhiên, để xin giấy phép hoạt động chính quy thì rất khó. Bởi việc bắt cướp, trấn áp tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội là việc làm của công an, lực lượng vũ trang. Các nhóm hiệp sĩ đường phố từ trước đến nay chỉ là hoạt động tự phát của người dân. Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH, Đoàn Luật sư TP.HCM |