DN phản ứng Bộ Công Thương làm chính sách lạc hậu

Mục tiêu đề ra đối với sản lượng xe ô tô sản xuất trong nước đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 chỉ bằng 50% của Thái Lan hiện tại là quá lạc hậu so với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô các nước khác. Bên cạnh đó, vai trò làm chính sách của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính còn hạn chế, chưa đồng bộ; Bộ Công Thương đề xuất giảm thuế, còn Bộ Tài chính nhắc đến thuế thì lắc đầu…

Đó là những điểm đáng lưu ý được các doanh nghiệp (DN) sản xuất, nhập khẩu ô tô nêu ra tại Hội nghị công bố Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến 2025 tầm nhìn đến năm 2035 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 26-8.

Hoài nghi chiến lược phát triển ô tô

Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2035 do Bộ Công Thương chủ trì vừa được Thủ tướng phê duyệt, mục tiêu đề ra đối với sản lượng xe sản xuất trong nước năm 2020 là 227.500 chiếc, 2025 là 237.900 chiếc, năm 2035 là hơn 1,5 triệu chiếc. Về sản lượng xe xuất khẩu, theo quy hoạch đến năm 2035, tổng lượng xe xuất khẩu sẽ đạt 90.000 chiếc, giá trị xuất khẩu linh kiện tăng lên 10 tỉ USD.

Tuy nhiên, ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xuân Kiên (Vinaxuki), cho biết sản lượng xe đặt ra trong mục tiêu vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân. Ông Kiên dẫn chứng theo một khảo sát từ phía công ty, 50% người dân ở nông thôn muốn có xe ô tô (bao gồm cả xe tải và xe hơi), 90% người dân ở TP.HCM mong muốn sở hữu xe ô tô. “Người thành thị có thể đủ tiền để mua xe nhưng với nông thôn thì ngoài tiền gom góp thì chỉ còn cách đi vay ngân hàng. Trong khi đó giá ô tô quá đắt vì thuế quá cao” - ông Huyên nhìn nhận.

DN trong nước khó phát triển khi xe sản xuất nội địa đắt hơn xe nhập khẩu 20%. Trong ảnh: Triển lãm ô tô tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Cùng chia sẻ, đại diện tạp chí Ô Tô - Xe Máy cho rằng Bộ Công Thương đã từng đưa ra quy hoạch chiến lược phát triển ngành ô tô lần đầu nhưng kết quả đã không đạt được như mong muốn. Lần này Bộ Công Thương lại tiếp tục đưa ra quy hoạch mới nhưng xét về sản lượng mục tiêu đến năm 2030 chỉ bằng 50% sản lượng hiện nay của Thái Lan. “Như vậy chẳng khác nào quy hoạch của Việt Nam tụt hậu so với các nước. Vậy 15 năm sau Việt Nam đứng ở chỗ nào trong khu vực khi mà sức cạnh tranh ngày càng tăng?” - vị này hoài nghi.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho rằng sản lượng đề ra trong giai đoạn đến 2035 như vậy là hợp lý bởi Bộ đã phối hợp với các ban ngành tính toán kỹ về mức sản lượng này. Theo ông Quang, sản lượng được đề ra dựa trên sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, cơ chế chính sách của Nhà nước.

Kiến nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt

Vấn đề thuế cũng đã được các DN đề cập đến tại hội nghị. Ông Laurent Chapentier, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), đánh giá để đạt được mục tiêu đề ra như trên thì vấn đề thuế, cơ chế chính sách là trở ngại lớn. “Xe sản xuất trong nước đắt hơn xe nhập khẩu 20%. DN trong nước rất khó để phát triển trong điều kiện giá cả chênh lệch lớn như vậy nếu như Nhà nước không có phương án trợ giúp kịp thời” - ông Laurent Chapentier phân tích.

Đồng quan điểm, ông Trần Bá Dương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải, cho hay ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi khi chiến lược phát triển được đề ra muộn hơn so với các nước trong khu vực. Do đó ngành công nghiệp này sẽ gặp phải sự cạnh tranh rất lớn từ các nước bạn. “Thái Lan và Indonesia đã đạt sản lượng một triệu xe, ngành công nghiệp ô tô của họ phát triển với chi phí sản xuất thấp, giá thành cạnh tranh. Trong điều kiện chênh lệch giá so với xe nhập ngoại quá lớn như hiện nay thì xe lắp ráp trong nước đã mất hẳn lợi thế” - ông Dương nói.

Do đó ông Dương kiến nghị cần phải giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để kích cầu. Vị này cho rằng gian lận thương mại, chi phí sản xuất, thuế cao sẽ giết chết sản xuất trong nước. “Nhiều loại xe phục vụ kinh doanh nhưng tại sao lại áp thuế tiêu thụ đặc biệt 15%? Ưu đãi chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế để phát triển thị trường không phải là bảo hộ thị trường trong nước mà sẽ tạo cơ hội để kích thích phát triển và sáng tạo của ngành công nghiệp ô tô” - ông Dương chia sẻ.

TRÀ PHƯƠNG

Sẽ thực hiện lộ trình giảm thuế theo cam kết

Theo chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2035, lộ trình giảm thuế nhập khẩu sẽ được thực hiện theo cam kết. Điều chỉnh thuế, phí theo hướng tạo điều kiện phát triển cho ngành công nghiệp ô tô. Đồng thời điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe dưới 24 chỗ theo hướng: Áp dụng thuế thấp nhất đối với xe từ 16 đến 24 chỗ và các loại xe vừa chở người, hàng hóa phục vụ nông nghiệp. Áp thuế suất ưu đãi với xe thân thiện với môi trường; áp thuế suất cao đối với xe chở người đến chín chỗ có dung tích động cơ trên 3.0L.

Vai trò làm chính sách giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính còn chưa đồng bộ, đặc biệt là chính sách thuế. Bộ Công Thương đề xuất ưu đãi thuế nhưng Bộ Tài chính khi nhắc đến thuế là lắc đầu và cho rằng thuế là do Quốc hội quyết. Là các cơ quan tham mưu thì các bộ phải có sự đồng nhất và lên tiếng chứ!

Ông BÙI NGỌC HUYÊN,
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xuân Kiên

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm