Tại các cuộc họp trực tuyến với địa phương trên cả nước và các bộ để tháo gỡ khó khăn cho vận chuyển hàng hóa chiều 25-8, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết một số địa phương kiểm soát hoạt động vận tải chưa thực sự thống nhất, còn có những quy định cá biệt, không đúng tinh thần chỉ đạo chung.
Cần Thơ đưa ra yêu cầu vô lý
Theo ông Phùng Đức Tiến, sản phẩm nông nghiệp có tính thời vụ, nếu không kịp thời lưu thông, chế biến sẽ quá lứa, quá thời hạn, chất lượng không đảm bảo, ảnh hưởng chuỗi giá trị gia tăng của hàng hóa nông nghiệp.
Tuy nhiên các tuyến đường huyện lộ, đường liên huyện, liên xã, hoặc đường tiếp cận cấp xã, thôn đi lại vô cùng khó khăn.
Trong ba ngày nay, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, hay như Cần Thơ khi phương tiện đã có giấy nhận diện QR Code, người trên xe có giấy xét nghiệm nhưng vẫn không cho lưu thông.
Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo tại buổi họp.
Cá biệt ở Cần Thơ, có doanh nghiệp vận tải cung cấp bao bì đóng gói trứng hai ngày nay không đi vào được dẫn đến thiếu trứng cho thị trường TP.HCM, phương tiện chở vật tư nông nghiệp bị ách tắc dẫn đến thiếu nguyên liệu để sản xuất… trong khi nhu cầu là rất lớn.
“Cần phải quán triệt tư tưởng, nhận thức chung để thống nhất thực hiện, không để ùn ứ hàng hóa, ảnh hưởng tiêu thụ do thiếu nhất quán trong triển khai thực hiện của các địa phương. Phải đảm bảo kết nối thông suốt cung – cầu tiêu thụ…”- ông Tiến nói.
Còn Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương Trần Duy Đông khẳng định, các địa phương yêu cầu phải có giấy xét nghiệm PCR trong vòng 48 tiếng, hoặc yêu cầu lái xe có giấy xét nghiệm còn hiệu lực vẫn phải xét nghiệm nhanh trước khi lưu thông qua địa bàn như An Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu là không hề có căn cứ khoa học nào.
Việc này chỉ gây thêm bức xúc, ùn tắc và gây tâm lý chán nản không muốn đi làm của đội ngũ lái xe trong khi lực lượng này đang thiếu.
“Chúng tôi cũng đã kiểm điểm và chỉ đạo quyết liệt, gay gắt với Sở Công Thương TP Cần Thơ về những quy định vừa qua và đã chỉ đạo các Sở Công Thương khác cũng phải rút kinh nghiệm chung từ trường hợp vừa rồi…” - ông Đông khẳng định.
Giải thích các vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè lý giải trước đây mỗi ngày có khoảng 15.000 - 16.000 xe đi trên địa bàn. Khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16 thì mỗi ngày khoảng 4.000 xe đi qua trung tâm thành phố. Áp dụng biện pháp tăng cường giảm xuống còn khoảng 2.000 – 2.500 xe đi vào trung tâm, 800 xe đi ngang trung tâm. Nếu để như hiện nay có trên 3.000 điểm giao nhận hàng hóa trong trung tâm thành phố thì không kiểm soát được.
Chính vì vậy, để tăng cường công tác phòng chống dịch, TP yêu cầu doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện có nhu cầu đi qua trung tâm thành phố đăng ký trước qua điện thoại, zalo, email để địa phương sắp xếp, phân luồng tổ chức, điều tiết giao thông cho hợp lý.
Còn hàng hóa bốc, dỡ tại địa bàn TP sẽ tổ chức 12 điểm trung chuyển tại các cửa ngõ để hạn chế phương tiện và người đi từ vùng dịch về vào trung tâm nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống dịch.
“Việc yêu cầu đăng ký trước không phải gia tăng thủ tục hành chính, không phải thêm điều kiện… mà chỉ là giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp, phương tiện có nhu cầu đi qua thành phố được lưu thông…”- ông Hè lý giải.
“Lý do không thuyết phục”
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ngay lập tức phản biện ý kiến của đại diện của TP Cần Thơ: “Anh Hè nêu lý do như vậy không hề thuyết phục. Cần Thơ là thủ phủ miền Tây Nam Bộ, là điểm trung chuyển lớn, những trục quốc lộ quan trọng đều đi qua mà hiện nay mỗi ngày chỉ khoảng 3.000 – 4.000 phương tiện đi, đến và đi qua thành phố là không lớn.
Anh nhìn xem, TP.HCM, Đồng Nai cũng đang ảnh hưởng dịch bệnh như vậy, lưu lượng phương tiện lớn hơn rất nhiều sao họ vẫn tổ chức tốt, vẫn đảm bảo phòng chống dịch.
Sáng nay, Chủ tịch Sóc Trăng phải gọi điện cầu cứu tôi vì xe chở ôxy về Sóc Trăng không qua được Cần Thơ, tôi phải gọi cho Chủ tịch TP để xử lý; nếu như thế này các anh vừa gây khó khăn cho chính các anh, cho các tỉnh miền Tây”- ông Thể nói.
Bộ trưởng cũng đặt vấn đề thêm “Các anh đã tính toán kỹ chưa? Nếu trung chuyển thì thành phố có sắp xếp được đủ lái xe, phương tiện để xếp dỡ không? Trang thiết bị, con người công nhân xếp dỡ có đủ không? Trung chuyển có thể gây tập trung đông người, dễ lây lan dịch bệnh hơn. Đã tính toán kỹ liệu có phát sinh thêm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp chưa? Tính toán kỹ những tác động, ảnh hưởng đến khâu lưu thông, tiêu thụ chưa?...”
Cuối cùng người đứng đầu ngành giao thông cho rằng khi báo chí đã nêu, doanh nghiệp người dân bức xúc thì chứng tỏ chính sách, giải pháp chưa thực sự hiệu quả.
“Do vậy các anh cũng phải tính toán lại thật kỹ, rà soát và phải có sự điều chỉnh ngay, để không “trái” với những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bổ sung thêm ý kiến, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến Bộ NN&PTNT cũng phân vân: “Kiểm soát dịch hiện nay là kiểm soát điều kiện y tế với lái xe, và người theo xe chứ phương tiện, hàng hóa có phải là nguồn lây nhiễm đâu mà các anh tổ chức phun khử khuẩn phương tiện, vừa tốn kém lại mất thời gian”.
Giám đốc Sở GTVT chịu trách nhiệm nếu để xảy ra ùn tắc. Cũng tại cuộc họp này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định thời điểm này phải coi tất cả hàng hóa đều là thiết yếu trừ hàng cấm. Tất cả các tuyến đường bộ là luồng xanh để phục vụ vận chuyển hàng hóa, tất cả các tuyến đường thủy cũng đều là luồng xanh. “Tới đây nếu địa phương nào để xảy ra ùn tắc thì Giám đốc Sở GTVT phải chịu hoàn toàn trách nhiệm” – ông Thể khẳng định. |