Chỉ thị 12: Khó ra vào TP.HCM, người dân và doanh nghiệp cần làm gì?

Sáng 24-7, TP.HCM bắt đầu áp dụng Chỉ thị 12. Do đó, có nhiều phương tiện chưa đăng ký giấy nhận diện phương tiện thì không thể ra vào TP.

TP.HCM siết đối tượng ra vào

Cụ thể, các phương tiện ở ngoài TP.HCM buộc phải quay đầu xe và phía trong TP cũng không thể sang các tỉnh lân cận để làm việc.

Theo Chỉ thị 12, tại các chốt kiểm soát chỉ giải quyết cho xe công vụ, các loại phương tiện vận tải hàng hóa có mã (QR code) nhận diện được phép vận chuyển, vận tải vào TP hoặc lưu thông qua TP.

Người dân, doanh nghiệp ra vào TP.HCM cần có giấy nhận diện phương tiện (QR Code). Ảnh: NGUYỆT NHI.

Tương tự, các xe cá nhân của cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, phục vụ phòng, chống dịch và các mục đích công vụ; xe đưa rước người dân TP về quê theo kế hoạch cũng được di chuyển qua các chốt trên.

Các phương tiện muốn di chuyển qua chốt cần phải đăng ký giấy nhận diện phương tiện để lưu thông qua các chốt kiểm soát. DN muốn đăng ký giấy nhận diện phương tiện ở TP.HCM cần liên hệ với các đầu mối sau:

Xe ô tô vận chuyển hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm như: gạo, mì gói, bún khô; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; rau củ quả; thủy hải sản…) từ các tỉnh đến địa bàn TP.HCM và ngược lại: Sở Công Thương TP.HCM sẽ là đầu mối tiếp nhận. Sau đó sở này sẽ chuyển công văn và danh sách cho Sở GTVT.

Xe ô tô vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, xe chở chuyên gia, công nhân từ các tỉnh đến địa bàn TP.HCM và ngược lại, phục vụ hoạt động của các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM: Do Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp hoặc UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện (theo phân cấp quản lý) là đầu mối tiếp nhận.

Xe ô tô vận chuyển hàng hóa ra vào các cảng trên địa bàn TP.HCM từ các tỉnh đến TP.HCM: Đơn vị quản lý cảng là đầu mối tiếp nhận.

Xe ô tô vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xe ô tô vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, hàng hóa đến các cảng, khu công nghiệp, xe chở chuyên gia, công nhân của các khu chế xuất, khu công nghiệp lưu thông “quá cảnh” (đi qua) địa bàn TP.HCM: Sở GTVT các tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ là đầu mối tiếp nhận.

Sở GTVT TP.HCM cũng cung cấp lại số điện thoại (098.820 5533), địa chỉ hộp thư điện tử (sgtvt@tphcm.gov.vn) để các đơn vị thuận tiện trong quá trình trao đổi công tác.

Theo Sở GTVT, công tác cấp giấy nhận diện thương hiệu, tạo luồng xanh cho các phương tiện tối đa 24 giờ sẽ trả kết quả cho các đơn vị đăng ký. Hiện sở đã cấp giấy nhận diện phương tiện cho hơn 42.000 xe, cho 69 tổ chức.

Về Sở GTVT các tỉnh thành đăng ký

Đối với các tỉnh thành khác ngoài TP.HCM, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam hướng dẫn các đơn vị khẩn trương đăng ký tại địa chỉ www.luongxanh.drvn.gov.vn gửi về Sở GTVT địa phương để giải quyết.  

Đối tượng đăng ký gồm xe ô tô vận chuyển các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ an sinh xã hội, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, vận chuyển thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19, ga, xăng dầu; xe vận chuyển hàng cứu trợ.

Các loại xe do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tại địa phương cho phép hoạt động gồm: Xe ô tô vận chuyển công nhân, người lao động, chuyên gia phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, xe vận chuyển người từ vùng dịch về các địa phương.

Thời gian Sở GTVT các địa phương tiếp nhận thông tin, giải quyết tối đa không quá 24 giờ. Sau đó, kết quả được hệ thống gửi tự động về địa chỉ email đã đăng ký hoặc truy cập vào tài khoản do đơn vị đăng ký trên hệ thống.

Khi có giấy nhận diện, đơn vị vận tải tự in giấy nhận diện phương tiện kèm theo mã QRCode lên giấy (khổ A5) để dán trên kính phía trước và in lên giấy (khổ A4) để dán thêm lên kính hai bên cửa xe nhằm tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát.

Mã QRCode trên giấy nhận diện phương tiện sẽ tự động hủy khi hết thời hạn ghi trên giấy nhận diện hoặc phát hiện phương tiện hoạt động không đúng hành trình đăng ký, khai báo thông tin không trung thực.

Tổng Cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị các đơn vị đầu mối hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải in bổ sung thêm nhãn “hàng mau hỏng” trên giấy màu vàng, đóng dấu treo của đơn vị và dán trên kính xe theo hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm