“Đến nay có thể khẳng định dịch COVID-19 gây thiệt hại rất lớn tới ngành hàng không. Riêng việc dừng các đường bay đến Trung Quốc, theo báo cáo sơ bộ của các hãng hàng không, thiệt hại ban đầu là hơn 10.000 tỉ đồng” - trao đổi với báo chí, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, khẳng định như trên.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, tính riêng từ ngày 1 đến 7-2, tổng thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam đạt 1,95 triệu khách, giảm 4,5% so với cùng kỳ 2019 (thị trường quốc tế giảm 14,1%).
Với các hãng hàng không Việt Nam, đường bay Việt Nam - Trung Quốc chiếm 18,1% thị trường quốc tế và chiếm 26,1% sản lượng vận chuyển quốc tế. Việc dừng khai thác thị trường này khiến các hãng hàng không Việt Nam mất doanh thu của trung bình 400.000 khách/tháng và một lượng không nhỏ doanh thu từ nguồn khách này trên các đường bay nội địa.
Khách hàng đeo khẩu trang phòng dịch ở sân bay Nội Bài. Ảnh: VIẾT LONG
“Dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến các chuyến bay đi Trung Quốc mà còn ảnh hưởng đến các thị trường khác, đặc biệt thị trường Đông Bắc Á, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hong Kong… lượng khách đều sụt giảm…” - ông Thắng nhận định.
Trước tình hình trên, cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết đơn vị đã tiến hành họp bàn các giải pháp mở rộng thị trường hàng không. “Như hôm nay chúng ta mở đường bay tới Ấn Độ, đây là thị trường có tiềm năng lớn nhưng chưa khai thác. Đồng thời, tới đây sẽ mở đường bay đến Úc… Tuy nhiên, vấn đề mở rộng đường bay cần thời gian và công tác chuẩn bị, bởi tất cả thị trường đều bị ảnh hưởng” - ông Thắng cho hay.
Về công tác hỗ trợ các hãng hàng không, ông Thắng cho rằng Cục Hàng không kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng cho phép thực hiện cơ chế giảm giá dịch vụ hàng không do Nhà nước quản lý như điều hành bay, hạ cất cánh. Đồng thời, xem xét giảm thuế nhập khẩu xăng, dầu cho các hãng.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không có các biện pháp giảm giá, phí do doanh nghiệp quyết định cho các hãng hàng không Việt Nam.
“Ngoài ra chúng tôi cũng khuyến khích các hãng hàng không và các nhà cung cấp dịch vụ hàng không chủ động thảo luận, trao đổi để điều chỉnh mức giá dịch vụ cũng như giãn tiến độ thanh toán giá dịch vụ phù hợp. Đồng thời, bàn với các nhà sản xuất máy bay hoãn lịch bàn giao máy bay, bởi hiện nay đang dư thừa 30 máy bay… Riêng Vietnam Airlines, chúng tôi cũng bàn nhân cơ hội này bán bớt máy bay cũ để trẻ hóa các máy bay” - ông Thắng khẳng định.
Liên quan đến việc các hãng đề xuất tăng giá vé vì gặp khó khăn bởi dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết Bộ GTVT đã nhận được kiến nghị từ các hãng hàng không nhưng nhiều khả năng đơn vị sẽ không đề xuất Chính phủ điều chỉnh giá vé.
Nguyên nhân, thời gian gần đây (năm 2018, 2019) lợi nhuận của các hãng hàng không rất tốt. Vì vậy, nếu có ảnh hưởng từ dịch bệnh với mức khoảng 5%-7% lợi nhuận, các hãng vẫn có lãi, dù không được như kỳ vọng đề ra…
“Khi nào các hãng chứng minh hoạt động sản xuất của mình gặp khó khăn hoặc bị lỗ thì lúc đó Bộ GTVT mới xem xét để đề xuất Chính phủ các giải pháp hỗ trợ. Dịch bệnh là sự kiện bất khả kháng đang ảnh hưởng đến đời sống kinh tế-xã hội, nên các doanh nghiệp cần chia sẻ với cộng đồng. Quan điểm của Bộ GTVT là luôn lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp nhưng phải xem xét một cách cụ thể và chỉ khi nào thật sự cần thiết mới kiến nghị Chính phủ…” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ba kịch bản dự báo tăng trưởng hàng không Ông Đinh Việt Thắng cho biết đơn vị dự kiến các kịch bản về tăng trưởng hàng không trong thời gian sắp tới. Cụ thể, nếu đến tháng 4-2020 hết dịch viêm phổi cấp do virus Corona, lượng khách thông qua các sân bay của Việt Nam đạt khoảng 119 triệu (giảm 2,1% so với cùng kỳ); nếu tháng 6-2020 hết dịch, lượng khách thông qua khoảng 111,6 triệu (giảm 4,2%); nếu tháng 8-2020 hết dịch, lượng khách thông qua khoảng 98,5 triệu (giảm 15,5%). |