Sáng 16-11, đoàn cán bộ Tuyên giáo, báo chí, xuất bản TP.HCM do ông Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM làm trưởng đoàn, đã đến và trao tặng 50 phần quà cho các gia đình khó khăn và 50 phần quà cho các em học sinh nghèo hiếu học tại huyện Mỏ Cày Bắc. Tổng trị giá quà tặng là 100 triệu đồng.
Ông Lê Thành Ứng tự viết tên mình, giới thiệu cùng mọi người |
Đoàn cán bộ, báo chí, xuất bản TP.HCM tặng quà cho các gia đình khó khăn ở huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre. Ảnh: QUANG HUY |
Ông Lê Thành Ứng (80 tuổi, ngụ xã Tân Thành Bình), một trong những hộ khó khăn được nhận quà bày tỏ rất vui mừng khi nhận được sự quan tâm của chính quyền và đoàn.
Ông Ứng chia sẻ bản thân từng là lính đặc công ở huyện Mỏ Cày Bắc, chuyên thực hiện nhiệm vụ thực địa, nắm tình hình lực lượng của địch đồng thời gỡ bom mìn. Trong một lần tham gia gỡ mìn, ông đã bị thương cụt mất một bàn tay và tay còn lại chỉ còn một ngón. Ông được xác định thương tật là thương binh hạng ¼.
Ông Lê Thành Ứng chia sẻ với phóng viên. Ảnh: QUANG HUY
Thế nhưng, sau khi điều trị ổn định vết thương, ông vẫn cố gắng tham gia kháng chiến bằng khả năng của mình.
Sau năm 1975, ông tiếp tục tham gia công tác ở địa phương và hiện là Chi hội phó người cao tuổi xã Tân Thành Bình. “Thế hệ sau được hưởng hòa bình và những điều kiện tốt hơn nhiều thế hệ đi trước nên càng cần phải cố gắng ra sức học tập, cống hiến xây dựng đất nước theo khả năng của mình. Tôi tự hào dù thương tật nặng nhưng còn sức là còn làm. Hằng ngày tôi vẫn phụ việc nhà nhổ cỏ, đào mương, không phụ thuộc vào con cháu” - ông Ứng nhắn nhủ.
Bị thương ở hai tay, ông vẫn cố gắng tập viết để tự phục vụ công việc của mình. Ảnh: THANH TRANG |
Chờ đến lượt được nhận quà, ánh mắt bà Phạm Thị Ba (88 tuổi, ngụ xã Phú Mỹ) long lanh xúc động. Bà Ba cho biết có 6 người con nhưng hoàn cảnh ai cũng khó khăn, ở xa nên bà cố gắng tự lo cho bản thân. Chồng bà là liệt sĩ Võ Văn Biếu, du kích xã Phú Mỹ đã hi sinh khi mới 33 tuổi.
Bà Phạm Thị Ba. Ảnh: QUANG HUY |
Ông Phạm Thanh Truyền, Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Bắc cảm ơn sâu sắc tình cảm của đoàn dành cho địa phương. Theo ông Truyền, người dân của huyện chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt như bưởi, cam, chăn nuôi heo, gà nhưng qua hai năm dịch bệnh COVID-19, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn do càng nuôi càng lỗ, sâu bệnh hoành hành. Việc hỗ trợ của đoàn là động lực cho huyện tiếp tục nỗ lực chăm lo cho người dân.
Sáng cùng ngày, đoàn đã dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các liệt sĩ tại di tích căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (Y4), xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre.
Tại đây, các thành viên đã tham quan khu trưng bày hiện vật và hầm trú ẩn tại khu di tích.
Đoàn cán bộ, báo chí, xuất bản TP.HCM dâng hương tại căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Ảnh: H.LAN |
"Các phóng viên, nhà báo nguyện tiếp tục phấn đấu, rèn luyện về mọi mặt để tấm lòng luôn trong sáng, bản lĩnh luôn vững vàng, ngòi bút luôn sắc bén, để xứng đáng là đội ngũ người làm báo cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và dẫn dắt trong hơn 97 năm qua, để xứng đáng là những người làm báo của TP.HCM” - chủ tịch Hội nhà báo TP.HCM Nguyễn Tấn Phong đại diện đoàn phát biểu sau khi đoàn dâng hương.
Chủ tịch Hội nhà báo TP.HCM Nguyễn Tấn Phong đại diện đoàn phát biểu sau khi đoàn dâng hương. Ảnh: H.LAN |
Được biết, cách đây 53 năm, vào tháng 7-1969, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm Bí thư đã lãnh đạo bí mật di chuyển đến căn cứ xã Tân Phú Tây. Tuy thời gian đóng tại đây không dài nhưng Căn cứ Khu ủy đã để lại những dấu mốc lịch sử đáng nhớ, là nơi làm việc của các yếu nhân lãnh đạo Đảng.
Đoàn cán bộ, báo chí, xuất bản TP.HCM mặc niệm tại căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Ảnh: H.LAN |
Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định qua những tư liệu lịch sử hiện vẫn còn được tỉnh Bến Tre bảo tồn, giới thiệu tại di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia cùng tên, tọa lạc tại xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre.
Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định còn có mật danh là T4, Y4, là cơ quan đầu não chỉ huy cuộc kháng chiến chống Mỹ ở khu vực đô thị Sài Gòn - Gia Định. Đây là vùng mới giải phóng, nhân dân kiên cường, có trình độ giác ngộ chính trị cao, địa hình lại rất hiểm trở, nhiều kênh rạch chia cắt, có nhiều vườn dừa liên tiếp che chắn, địch không thể đổ quân bằng xe cơ giới, thiết giáp, kể cả việc dùng trực thăng đổ quân cũng bị nhiều hạn chế.
Đoàn cán bộ, báo chí, xuất bản TP.HCM tham quan tại căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Ảnh: H.LAN |
Sau chiến tranh, vùng căn cứ gần như bị phá hủy hoàn toàn. Để nhắc nhớ sự kiện ấy, tháng 11-1997, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre đã phục chế lại hai hầm nổi trú ẩn: hầm số 1 là nơi hội họp điện đài cơ yếu và hầm số 2 là nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt sau đó mở rộng khoảng 2ha xây dựng thêm một số hạng mục.
Hầm nổi, nơi làm việc và nơi ở của Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định |
Di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 23-12-1995.