Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư (LS) TP Hà Nội vừa có văn bản gửi Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao cùng lãnh đạo cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Kạn đề nghị xác minh, làm rõ vụ việc một LS bị chủ tọa buộc rời khỏi phòng xử khi đang thực hiện quyền bào chữa.
LS Trần Quốc Toản bị buộc rời khỏi phòng xử. Ảnh: T.D
Công văn dẫn báo cáo của Công ty luật Trương Anh Tú cho biết ngày 23-7 vừa qua, LS Trần Quốc Toản cùng một số LS khác tham gia phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tại TAND tỉnh Bắc Kạn.
Quá trình tranh tụng, LS Toản (bào chữa cho bị cáo) bị thẩm phán chủ tọa phiên tòa hạn chế phần xét hỏi, buộc rời khỏi phòng xử, không cho thực hiện quyền và nghĩa vụ LS theo quy định.
Đáng chú ý, việc cưỡng chế, lập biên bản đưa LS ra khỏi phòng xử có sự tham gia của nhiều người mặc thường phục không phải là lực lượng cảnh sát…
Công ty luật cho rằng sự việc trên gây ảnh hưởng đến hoạt động hành nghề luật sư, ảnh hưởng đến việc xét xử khách quan vụ án và nghiêm trọng hơn là quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo.
Trong văn bản, Ban Chủ nhiệm Đoàn LS TP Hà Nội đánh giá đây là sự việc nghiêm trọng, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xác minh, kiểm tra lại băng ghi âm, ghi hình; giải quyết và xử lý theo quy định.
Sáng 5-8, trao đổi qua điện thoại với PLO, lãnh đạo TAND tỉnh Bắc Kạn cho biết đã nhận được văn bản của Đoàn LS Hà Nội và đang phân công cán bộ có thẩm quyền trả lời các phản ánh nêu trên.
Vị này cũng nói theo báo cáo ban đầu thì việc thẩm phán chủ tọa buộc LS rời khỏi phòng xử là đúng, vì LS đã có một số hành vi “làm mất trật tự” phiên xử.
PV nhiều lần liên lạc với số máy di động của thẩm phán chủ tọa phiên tòa này, nhưng không liên lạc được.
LS bị hạn chế hỏi? Theo phản ánh của LS Trần Quốc Toản, ngày 21-7, sau khi trình chiếu xong bản ghi hình khi hỏi cung của thân chủ, LS đề nghị hỏi điều tra viên vì cho rằng có việc “ghi thêm, ghi sai lời khai”. Tuy nhiên, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa. Sáng 23-7, khi phiên xử mở lại, chủ tọa không mời LS Toản tiếp tục hỏi mà mời LS của một bị cáo khác. Thấy vậy, LS Toản có ý kiến đề nghị tiếp tục được hỏi điều tra viên nhưng chủ tọa không chấp nhận và đề nghị LS tuân theo sự điều hành của mình. Không đồng tình, LS Toản cho rằng mình đang thực hiện đúng quyền của người bào chữa, chủ tọa có dấu hiệu làm trái pháp luật khi tước đi quyền của LS, đề nghị chủ tọa điều khiển phiên tòa đúng quy định… Sau đó, chủ tọa yêu cầu lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp buộc LS Toản rời khỏi phòng xử. |