Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 12-11, Bộ Tài chính gửi công văn đề nghị Bộ Công thương và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khẩn trương rà soát đánh giá việc thực hiện và báo cáo chi tiết chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, premium (trong kinh doanh xăng dầu là phần trả lãi cho người bán) trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng.
Bộ Tài chính lưu ý các khoản chi phí vận chuyển, bảo hiểm, hao hụt, giám định… không bao gồm VAT. Thời kỳ thu thập số liệu báo cáo là từ 21-10 đến 14-11.
Bộ Tài chính yêu cầu các báo cáo trên cần có so sánh, phân tích đánh giá so với kỳ báo cáo trước (1-6 đến 20-10); đánh giá cụ thể về tính bất thường, tác động đến hoạt động kinh doanh của đơn vị và kiến nghị, đề xuất về cả hai bộ Tài chính - Công thương trước 10 giờ sáng ngày 15-11.
Chính phủ yêu cầu các bộ ngành triển khai quyết liệt các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ. Ảnh minh hoạ: PHI HÙNG |
Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công thương phối hợp cung cấp tài liệu, đôn đốc các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo kịp thời, chính xác.
Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo trung thực, chịu trách nhiệm trước pháp luật và các cơ quan thanh tra, kiểm toán sau này (nếu có) về tính chính xác, hợp lý, hợp lệ của các thông tin, số liệu báo cáo của đơn vị.
Trước đó, ngày 8-11, Bộ Tài chính đã điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu, áp dụng từ kỳ điều hành 11-11. Chuyên gia, doanh nghiệp ghi nhận việc điều chỉnh sớm này (thay vì đợi đến 1-1-2023 mới điều chỉnh) đã giúp giải quyết một phần khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng vẫn chưa đủ.
Tình trạng thiếu hụt xăng dầu ở một số địa phương vẫn tiếp tục xảy ra. Chiều 11-11, hai Phó Thủ tướng gồm Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng chủ trì cuộc họp với Bộ Công thương và các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan.
Phát biểu sau cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết cuộc họp thống nhất nguyên nhân chính các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối hạn chế xuất hàng, hoặc bán ra là do các định mức chi phí và các định mức chi phí phát sinh hiện nay chưa được cập nhật đầy đủ kịp thời trong công thức tính giá cơ sở.
Vì vậy, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, rà soát và cập nhật các chi phí phát sinh thực tế đó để liên Bộ điều hành giá bán lẻ phù hợp với diễn biến của thị trường thế giới.
Đối với Bộ Công thương, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công thương triển khai quyết liệt các giải pháp theo thẩm quyền để khắc phục tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ ngay từ ngày 12-11.
Đồng thời Bộ này rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Nghị định số 95/2021 về kinh doanh xăng dầu để khắc phục những bất cập, hạn chế đã bộc lộ ra trong thời gian gần đây theo trình tự thủ tục rút gọn; hoàn thiện Đề án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu theo chủ trương của cấp có thẩm quyền.