Doanh nhân, nhà ngoại giao nước ngoài chơi Tết Nguyên đán

(PLO)- Dịp nghỉ Tết Nguyên đán Việt Nam kéo dài là cơ hội để các doanh nhân, chuyên gia, nhà ngoại giao nước ngoài khám phá đất nước nơi họ đang công tác.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đối với những doanh nhân, nhà ngoại giao và chuyên gia người nước ngoài, Tết Nguyên đán ở Việt Nam là gì đó rất đặc biệt.

CEO ngân hàng toàn cầu yêu bánh chưng Việt Nam

Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, ông Tim Evans, mô tả vắn tắt cảm nhận 4 năm làm việc tại Việt Nam: “Tôi cảm giác như đã ở đây rất lâu rồi chứ không phải mới 4 năm, nhưng cũng nhiều lúc tưởng như mình vừa đặt chân đến xứ sở này hôm qua”.

Tết nguyên đán
Ông Tim Evans (áo dài xanh hàng trên) cùng nhân viên HSBC mặc áo dài nhân dịp Tết nguyên đán.

Ông Evans chứng kiến nền kinh tế vượt qua những thách thức của COVID-19 và đạt mức tăng trưởng 8% GDP vào năm ngoái. Tổng giám đốc HSBC chia sẻ: “Tôi cảm giác như đã ở đây rất lâu rồi chứ không phải mới 4 năm, nhưng cũng có nhiều lúc tưởng chừng như tôi vừa đặt chân đến Việt Nam ngày hôm qua. Dù sao đi nữa, đến Việt Nam là một trải nghiệm tuyệt vời đối với tôi và cả gia đình, và tôi rất biết ơn vì đã có cơ hội trở thành một phần trong câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam”.

Trải nghiệm rõ nhất sau mấy lần ăn Tết Nguyên đán của ông Evans là những tà áo dài, những chậu hoa cho đến các lễ hội đầu xuân. Ông yêu những cung đường được trang trí đầy màu sắc, những buổi biểu diễn nhạc truyền thống… Tất cả đều góp phần tạo nên bầu không khí vui tươi và sống động trên khắp cả nước.

“Giá trị gia đình trong dịp Tết Nguyên đán ở Việt Nam rõ nét hơn nhiều so với quê hương tôi. Tết là dịp mọi người về quê, về nơi người thân đang đợi chờ. Đấy là dịp để cảm nhận rất chân thật về niềm vui, sự hân hoan, tự hào về văn hóa và tinh thần cộng đồng”, Evans nhận xét.

Trong các món ăn ngày Tết Việt Nam, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam thích nhất bánh chưng – món bánh truyền thống, đặc trưng văn hóa Việt Nam và đủ dưỡng chất cho những chuyến đi sôi động ngày Tết.

Nhà ngoại giao Mỹ thích nấu các món ăn Việt Nam

Còn đối với phát ngôn viên đại sứ quán Mỹ - ông Cameron Thomas-Shah, trải nghiệm bất ngờ với Tết Nguyên đán là những con phố đột ngột vắng vẻ khác thường. Lần ấy, đặt chân sang đất nước này đúng dịp Tết Việt Nam, bước ra đường hàng quán đều không hoạt động, không thể mua được đồ ăn. Vậy là anh phải tự vào bếp, để rồi bắt đầu làm quen với công thức nấu nướng món ăn Việt.

doanh-nhan-nha-ngoai-giao-nuoc-ngoai-choi-tet-vietB.jpg
Anh Cameron Thomas-Shah trong một lần xin chữ nhân dịp năm mới dịp Tết Nguyên đán

Đến Việt Nam lần đầu khi còn là sinh viên, Thomas-Shah đã thăm thú Sài Gòn, rồi các điểm đến ở đồng bằng sông Cửu Long để rồi mến yêu vùng đất này. Sau khi tốt nghiệp, năm 2012, anh tìm được công việc ở Việt Nam, dành nhiều thời gian tìm hiểu về văn hóa, con người đất nước bên kia bờ Thái Bình Dương.

Và đến giờ, sau một năm rưỡi là nhân viên ngoại giao Mỹ tại Hà Nội, anh trở thành nhân chứng cho giai đoạn phát triển vượt bậc của quan hệ Việt - Mỹ. Ở Việt Nam ngày một nhiều người Mỹ đến làm việc, giảng dạy và kinh doanh. Còn tại quê hương Michigan, Mỹ, ngày một nhiều các nhà hàng bán đồ ăn Việt Nam.

“Ở Mỹ có hơn 2 triệu người Việt Nam. Tôi đã trải nghiệm Tết Nguyên đán mà họ tổ chức ở Mỹ theo lịch âm, hoặc đó là dịp để về quê thăm người thân, sum vầy đón Tết. Tết của các bạn có gì đó giống như Lễ Tạ ơn hoặc Giáng sinh bên tôi vậy”, Thomas-Shah nói.

Hứng thú với ẩm thực Tết Nguyên đán, người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết Tết này sẽ dành thời gian thử nấu ăn các món mình thích. “Tôi thích ăn nem, giò chả. Giò chả thì phải mua thôi, còn nem sẽ thử làm xem sao”.

Tết trong văn hóa Việt Nam đậm nét

GS Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) - Đức đến Việt Nam lần đầu vào hè 2009, lúc ấy là để tham gia HĐQT ngân hàng Deutsche Bank Việt Nam. 3 năm sau đó là trải nghiệm đáng nhớ, trọn vẹn, bởi ông dành hết thời gian ở xứ sở này, kể cả trong những kỳ nghỉ dài Tết Nguyên đán.

doanh-nhan-nha-ngoai-giao-nuoc-ngoai-choi-tet-vietC.jpg
GS Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) đi thăm vườn đào nhân dịp Tết Nguyên đán

Đấy là thời gian mà Stoffers tích lũy kiến thức để rồi năm 2012 về nước làm giáo sư ngành quản trị quốc tế, chuyên nghiên cứu quan hệ giữa EU với châu Á nói chung, trong đó có quan hệ Đức - Việt Nam.

Việt Nam không chỉ mang lại cho ông công việc thú vị, mà còn cả Mạo – người vợ Việt Nam mà ông rất chiều chuộng. “Chúng tôi cũng đón Tết cả ở Việt Nam và Đức”, Giám đốc FNF kể.

Tết ở Đức là Tết Dương lịch, ngày 31-12 hàng năm. Stoffers dành trọn vẹn những ngày này cho cha mẹ, cùng ăn trưa với món cá, tráng miệng bánh ngọt vào buổi chiều, và đến tối là một bữa ăn thịnh soạn do mẹ chuẩn bị. Cả nhà quây quần và nâng ly mừng năm mới vào thời khắc giao thừa.

Nay qua trải nghiệm những dịp Tết Âm lịch ở Việt Nam, Stoffers nhận xét người Việt chuẩn bị đón năm mới kỹ hơn người Đức. “Có thể nói Tết ở Việt Nam tương đương với tất cả các dịp Giáng sinh, Năm mới và Phục sinh ở Đức gộp lại. Mọi thứ được chuẩn bị kĩ lưỡng từ nhiều ngày trước Tết. Tiếp đó là kì nghỉ Tết dài ngày, đến nỗi sau Tết phải mất một thời gian thì nhịp sống bình thường mới trở lại”.

Ấn tượng nhất với Stoffers là cách mà người Việt hướng về quê hương, gốc gác tổ tiên và gia đình. Mọi thứ xoay quanh Tết đều liên quan đến gia đình và bạn bè.

Trải nghiệm Tết Việt Nam từ Hà Nội cho đến quê vợ - vùng biển Mũi Né, tỉnh Bình Thuận, người đàn ông Đức này nhận thấy tính đa dạng không chỉ về khí hậu mà cả cách thức ăn, chơi Tết mỗi vùng miền. Nhưng tất cả đều có điểm chung là những phong bao lì xì màu đỏ cho con trẻ, không khí đầm ấm gia đình, rồi quan niệm tống cựu nghênh thân.

“Tiếng Việt của tôi khá tốt nên có thể trò chuyện giao lưu với gia đình nhà vợ, đôi khi nói hơi nhiều chút! Nhờ vậy, Tết là một điều gì đó rất đặc biệt, nhưng chỉ khi cùng gia đình và bạn bè”, GS Andreas Stoffers nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm