Đòi công lý và an toàn cho cháu bị chém

Sau khi Pháp luật TP.HCMthông tin bé N. bị “cha dượng” chém nứt sọ vào ngày 5-8, cán bộ bảo vệ và chăm sóc trẻ em TP.HCM phối hợp cùng UBND huyện Bình Chánh đã xuống thăm hỏi cháu N., đồng thời làm việc với ông Kh. Tổ công tác đã đề nghị cơ quan chức năng địa phương sớm có biện pháp giao hai cháu bé cho ông Kh. nuôi dưỡng để bảo vệ an toàn cho hai cháu. Ít ai biết đằng sau những động thái tích cực đó là nhờ rất nhiều tấm lòng của bà con tiểu thương chợ Hưng Long đã che chở, bảo vệ cho cháu N.

Chừng nào ông Sang chưa bị pháp luật xử lý là chúng tôi còn lo lắng, hoang mang cho con bé”; “Ở với Sang không biết con nhỏ sống chết ngày nào”… Đó là lo lắng của những người dân sống và buôn bán ở khu vực chợ Hưng Long (xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP.HCM) sau khi cháu N. bị “cha dượng” chém nứt sọ và hiện cháu vẫn phải ở với mẹ và “cha dượng”. Bỏ cả công ăn việc làm, bỏ cả việc buôn bán, suốt trong những ngày qua, nhiều tiểu thương đã tự nguyện góp tiền bạc, đứng ra giúp đỡ làm đơn, chở cha ruột của cháu bé ngược xuôi đến gõ cửa các cơ quan chức năng yêu cầu rốt ráo xử lý đúng người, đúng tội, sớm trả lại công bằng và sự an toàn cho cháu N.

Tâm lý cháu bé thất thường

Ông N.M.Kh. và bà K. kết hôn và sinh được hai cháu N. (15 tuổi), G. (13 tuổi). Năm 2011, vợ chồng ông Kh. nhận Đoàn Thanh Sang (SN 1982, ngụ Long An) vào làm công ở lò bánh mì tại chợ Hưng Long. Ít lâu sau bà K. đòi ly dị với ông Kh. để sống chung với Sang, ông Kh. buộc phải chấp nhận và tòa tuyên bà K. nuôi dưỡng hai con. Ngày 20-7-2014, sau khi đi nhậu về giữa Sang và bà K. xảy ra cãi nhau, Sang cầm dao chém hai nhát vào đầu và tay bà K. Cháu N. đến can ngăn thì bị Sang chém nhiều nhát vào đầu và lưng N. Sang định tiếp tục truy sát bé G. nhưng cháu được người dân cùng khu trọ cứu vào trong nhà nên thoát thân. Sau đó cảnh sát 113 đã đến bắt giữ Sang bàn giao công an địa phương. Tuy nhiên, sau khi bị tạm giữ một ngày thì Sang được thả ra.

Dù chém vào đầu bà K., chém cháu N. đến nứt sọ nhưng gần một tháng qua “cha dượng” Sang vẫn được sống cùng chị em cháu N. Ảnh: HT

Điều trị hơn 10 ngày, cháu N. được xuất viện trong tình trạng vết thương ở đầu dài 10 cm, gây nứt sọ, cùng hai vết thương ở lưng… Điều ngạc nhiên là cháu lại được mẹ cho tiếp tục ở cùng “cha dượng”, kẻ đã chém cháu dã man. Chính vì lo lắng cho hai cháu bé nên bất chấp sự ngăn cản của bà K., sự lo lắng khi phải đối mặt với Sang, nhiều hàng xóm, tiểu thương vẫn thường xuyên ghé qua thăm hỏi cháu N. và tìm cách giúp cháu có cuộc sống tốt nhất có thể.

Chị T., một tiểu thương nói cháu N. trước đây rất khó tính, hỏi gì chỉ gật đầu, kiệm lời nhưng từ hôm xảy ra việc đến nay, chị qua thăm thì cháu cứ cười ngất, khoanh tay cúi đầu sát đất để chào. “Cháu còn nói với tôi con vô máu gì mà không biết sao con ngủ không được, rồi con cười hoài à”. Còn người trong cuộc, bà K. đã làm đơn bãi nại cho Sang, từ chối giám định thương tích của chính mình và từ chối luôn giám định thương tích cho con. Bà lý giải cho điều này là: “Mọi việc xui rủi cho qua, còn sống là tốt rồi…”.

Bỏ công ăn việc làm giúp đòi lại công bằng

Phẫn nộ trước việc bà K. làm đơn bãi nại, từ chối giám định thương tích của con để mong người tình được thoát tội, anh bán trái cây tên X. cùng những tiểu thương chợ Hưng Long đã tìm đến hướng dẫn cha của cháu bé đi đòi công lý. Anh X. tâm sự: “Tôi biết ông Kh. rất hiền, một chữ bẻ đôi không biết và gần như bất lực, buông xuôi hết mọi chuyện. Nếu anh Kh. không làm đơn đề nghị giám định thương tích cho con thì khả năng Sang sẽ thoát tội. Do đó cả tuần nay tôi bỏ luôn việc buôn bán, kệ vợ con ở nhà tự lo cho nhau, nghỉ bán không có tiền thì đói tôi cũng chịu chứ tôi không yên tâm khi đứa bé còn trong tình trạng nguy hiểm như vậy”. Anh X. đã tự nguyện chở ông Kh. đi khắp nơi kêu cứu suốt từ ngày xảy ra sự việc đến nay. Người bán trái cây này đã gọi điện thoại đến đường dây nóng bảo vệ trẻ em của Trung tâm Phát triển Cộng đồng và Công tác xã hội (Codes) để kêu cứu.

Sau khi bị chém ở đầu, cháu N. rất dễ bị kích động, lại còn phải tiếp tục sống với “cha dượng” trong môi trường phức tạp. Cháu còn bị mẹ thường xuyên lớn tiếng mắng chửi. Những lúc như thế chủ nhà trọ lại xót xa vào cuộc can thiệp.

Còn chị H., bán hàng ăn gần lò bánh mì của bà K. bày tỏ chị vừa tức vì kẻ gây án vẫn nhởn nhơ, vừa lo lắng cho sự an toàn tính mạng của hai cháu đến mất ăn mất ngủ. “Ngày nào tôi cũng ghé qua thăm cháu, thấy cử chỉ cháu khác trước dữ lắm… Tôi là người ngoài thấy còn phải rơi nước mắt. Ai đời người mẹ nào mà đối xử với con mình như vậy, hằng ngày thấy bà K. vẫn ôm ấp, cười giỡn với Sang mà tôi tức lộn ruột” - chị H. nói. Chính chị H. là người cầm đơn đi đến từng tiểu thương trong chợ vận động ký tên yêu cầu công an đưa cháu N. đi giám định để có cơ sở khởi tố Sang. “Hễ vắng khách lúc nào là tôi đi, tôi đưa đơn đến đâu bà con cũng đồng ý ký đến đó. Thậm chí bà con nói lúc nào anh Kh. cần thì mọi người sẽ hùn tiền để đi đòi công lý. Cô bán rau, chị bán cá nói dù mình có nghèo cũng phải hùn một, hai trăm để lo cho con bé”. Kết quả là trước đơn yêu cầu giám định thương tích của anh Kh. cùng sự ủng hộ của hàng chục tiểu thương, cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh đã đưa cháu N. đi giám định thương tích.

Qua xem xét giấy chứng nhận thương tích của N., một bác sĩ của Trung tâm Giám định pháp y Đồng Nai nhận định tỉ lệ thương tích của cháu N. khoảng 16%-20%. Tuy nhiên, trước một số biểu hiện khác lạ của cháu, nếu giám định về mặt tâm thần phát hiện cháu bị bệnh gì sau chấn thương thì tỉ lệ thương tích có thể cao hơn rất nhiều.

Nước mắt người cha

Nói về tấm lòng che chở của bà con tiểu thương dành cho con gái mình, ông Kh. đã nhiều lần rớm nước mắt. Ông nói: “Nuôi con từ nhỏ đến lớn tôi chưa từng đánh cháu cái nào, hôm ở công an cháu nói cha ơi tóc con hư rồi (vì thương tích ở đầu nên phải cắt tóc - NV), tôi phải bước vội ra ngoài để lau nước mắt, thường ngày mái tóc con tôi dài quá lưng, mỗi lần đi cắt tóc cháu đều hỏi ý kiến tôi… Tôi nói với con thậm chí cha phải bán hết gia sản để lo cho con, miễn sao con được sống trong êm ấm, được đi học lại bình thường thì cha cũng cam tâm. Nhưng tôi rối trí quá, không biết phải bảo vệ con bé bằng cách nào. May nhờ còn có bà con ở chợ chung tay giúp. Tôi quá cảm động vì họ coi nó như con”. Ông tha thiết bày tỏ mong muốn giành lại quyền được nuôi hai con để chăm lo cho các con tốt hơn.

MAI KHUÊ

Có thể yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con

Việc bà K. có hành vi ngăn cản việc giám định tỉ lệ thương tật cho cháu N. để cơ quan tiến hành tố tụng xử lý hành vi của Sang đã cho thấy người mẹ không bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho con mình… Đây là những căn cứ để cha các cháu khởi kiện tại tòa án nơi cư trú của bà K. để yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Tôi tin rằng với lý do nêu trên, tòa án sẽ căn cứ theo Điều 93 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 sẽ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cha các cháu.

Hành vi của Sang dùng dao chém liên tiếp vào đầu và lưng khiến cháu N. gục ngã tại chỗ. Theo giấy chứng nhận thương tích số 979/YC-BVCR ngày 1-8-2014 của BV Chợ Rẫy thì tình trạng thương tích của cháu N. là: “Vết thương đính chẩm phải khoảng 10 cm; nứt sọ não, tụ máu ngoài màng cứng trán đính phải, tụ khí nội sọ…” và các vết thương ở vùng lưng trái, lưng phải. Như vậy, với hành vi dùng hung khí chém vào vùng trọng yếu trên cơ thể cháu N. (vùng đầu)… làm cháu bị nứt sọ và trước đó là hành vi chém vào vùng đầu, vào tay của bà K. thì có cơ sở để khởi tố Sang về hành vi giết người theo Điều 93 Bộ luật Hình sự.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Lần đầu tiên trong hoạt động đường dây nóng, tôi mới thấy tình người được sưởi lên trong không gian đô thị quanh câu chuyện này. Những người buôn bán hằng ngày tưởng là đối tượng thiếu thốn thông tin thì chính họ lại tìm đến đường dây nóng của chúng tôi để cầu cứu. Trong một buổi sáng mà đã có đến gần 20 tiểu thương gọi đến lo lắng cho đứa bé. Khi có thông tin, được sự cho phép của bố nạn nhân, tôi đã chia sẻ thông tin nhờ Pháp Luật TP.HCM can thiệp gấp. Báo đã nhanh chóng kết nối để đưa vụ việc ra công luận nên bà con rất mừng vì họ bất bình trước sự nhởn nhơ của kẻ phạm pháp và lo cho môi trường sống của đứa trẻ không an toàn. Họ mong đợi một kết quả tốt cho đứa trẻ, sớm xử lý người gây ra cái ác.

Ông LÊ THẾ NHÂN, Giám đốc Trung tâm Codes

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm