Mặc dù không có chức năng nuôi dưỡng những người mang thai nhưng Trung tâm Hỗ trợ dưỡng lão và nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, khuyết tật Bạch Tuyết, tỉnh Đắk Nông vẫn nhận cưu mang những bà bầu rơi vào nghịch cảnh. Khi muốn đón con về, các bà bầu buộc phải “hỗ trợ” lại trung tâm khoản chi phí chăm sóc khá lớn. Hiện trung tâm đang giữ hai bé đang rơi vào tình cảnh này gồm A. (bảy tháng tuổi), con của chị HTD, trú tại huyện Đắk Song (Đắk Nông) và bé N. (ba tháng tuổi), con của chị PTN, trú tại Đồng Tháp.
Trước đó, trên số ra ngày 28-3 báo Pháp Luật TP.HCM đã có bài “Gửi tạm con, xin lại không được” phản ánh việc chị HTD, một người đã từng mang thai ngoài ý muốn và gửi con là cháu A. cho trung tâm chăm sóc. Hai tháng sau, khi thu xếp xong việc gia đình, chị D. đến nhận lại con thì bị giám đốc trung tâm là bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết làm khó.
Sau khi báo đăng, các cơ quan chức năng gồm đại diện UBND thị xã Gia Nghĩa, UBND phường Nghĩa Phú đã nhiều lần yêu cầu bà Tuyết trả con cho chị D. Bà Tuyết đòi chị D. phải “hỗ trợ” lại trung tâm chi phí chăm sóc mẹ và con trong thời gian sinh nở là 40 triệu đồng. Vì nhà chị D. thuộc diện khó khăn (có sổ hộ nghèo) nên chị không thể chạy đâu ra 40 triệu đồng hỗ trợ cho trung tâm để nhận lại con. Sự việc kéo dài đến nay đã hơn ba tháng.
Trung tâm không đảm bảo điều kiện ăn ở cho các trẻ. Ảnh: TT
Pano dán trên vách của Trung tâm Bạch Tuyết khẳng định hỗ trợ miễn phí cho các trường hợp bà bầu lỡ dại và trẻ mồ côi. Ảnh: HL
Tương tự, chị PTN tìm đến trung tâm ngày 14-3 và sinh con ngày 16-4. Khi con được hai tháng tuổi, chị N. muốn đón con về thì bị giám đốc trung tâm yêu cầu trả tiền chăm sóc bé hơn 20 triệu đồng. Chị N. bức xúc: “Trước đó cô Tuyết nói nếu em để con lại trung tâm để đi làm thì cô chỉ lấy 3 triệu đồng mỗi tháng. Em nghĩ trung tâm làm từ thiện giúp đỡ các thai phụ trong lúc khó khăn chứ không nghĩ giờ họ lại đòi nhiều như vậy”.
Được biết đã có nhiều bà bầu lầm lỡ khác đến đây nhưng sau khi biết những chuyện lình xình nói trên đã âm thầm rời khỏi trung tâm.
Ông K’Ranh, Trưởng phòng LĐ-TB&XH thị xã Gia Nghĩa, cho biết từ phản ánh của một số bà bầu, nhân viên trung tâm và bài viết trên báo Pháp Luật TP.HCM, UBND thị xã Gia Nghĩa lập đoàn thanh tra đột xuất toàn bộ hoạt động trung tâm vào ngày 6-7. Tại thời điểm kiểm tra, giám đốc trung tâm là bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết không hợp tác, không chịu ký vào biên bản. Kết luận thanh tra cho thấy trung tâm không đảm bảo điều kiện để tiếp tục hoạt động như nhà tạm bợ, không có tủ chứa thức ăn, không có hệ thống xả thải, thức ăn không rõ nguồn gốc, không lưu mẫu thực phẩm. Đặc biệt, trung tâm còn thiếu thủ tục tiếp nhận đối tượng; không có bộ phận kế toán, thủ quỹ…
Ông K’Ranh cũng cho biết sẽ tham mưu cho lãnh đạo UBND thị xã ra quyết định chấm dứt hoạt động của trung tâm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phòng sẽ phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông xác minh nhân thân, phân loại trẻ và trao trả về địa phương. Đối với trẻ không còn gia đình thì sẽ thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, sau 60 ngày không có người thân đến nhận thì sẽ làm thủ tục đưa trẻ vào cơ sở bảo trợ xã hội công lập của tỉnh.
Theo ông K’Ranh, trong số 22 trẻ đang được nuôi dưỡng tại trung tâm, hầu hết các em đều có gia đình và được bà Tuyết đem về nuôi.
Vì lỡ dại mang thai, sợ gia đình không thừa nhận, tôi đọc trên mạng xã hội thấy thông tin Trung tâm Bạch Tuyết nhận cưu mang các bà bầu nên tìm đến. Trong thời gian ở đây, bà Tuyết nói khi nào có điều kiện đến đón con về mà không đề cập gì đến chuyện tiền nong. Thai được bảy tháng thì tôi đến đây, sinh con được hơn nửa tháng thì về lại gia đình. Khi con được hai tháng, tôi quay lại xin đón con về thì bà Tuyết gây khó dễ. Đến nay con tôi được bảy tháng, bà Tuyết buộc trả 40 triệu đồng mới cho nhận lại con. Tôi không biết lấy gì trả. Tôi nhớ con đến thắt ruột! Không biết bao giờ tôi mới nhận lại được con… Chị HTD, mẹ của cháu A. còn đang ở trong |