Đối thoại Shangri-La 2023 (lần thứ 20) do Viện Nghiên cứu chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức diễn ra từ ngày 2 đến 4-6 tại Singapore.
Đối thoại Shangri-La 2023 có bảy phiên họp toàn thể với các chủ đề quan trọng: Xây dựng châu Á - Thái Bình Dương ổn định và cân bằng; giải quyết các căng thẳng khu vực; trật tự an ninh hàng hải nổi lên ở châu Á; vai trò của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; các sáng kiến an ninh mới của Trung Quốc (TQ); các quan hệ đối tác mới cho an ninh châu Á - Thái Bình Dương; phát triển các mô hình hợp tác về an ninh.
Là hội nghị cấp cao về quốc phòng hàng đầu của châu Á, Đối thoại Shangri-La là nơi để các bộ trưởng Bộ Quốc phòng khu vực tranh luận về những thách thức an ninh cấp bách nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cùng tìm ra cách tiếp cận mới. Tuy nhiên với các diễn biến gần đây trong quan hệ giữa Mỹ và TQ, nhiều ý kiến cho rằng căng thẳng Mỹ - Trung sẽ “chiếm sóng” Đối thoại Shangri-La 2023.
Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với PGS Kei Koga, giảng viên quan hệ quốc tế tại Trường KHXH&NV, ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), nhân sự kiện quan trọng này.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen (thứ hai từ trái qua, hàng sau), các bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đại diện Đông Nam Á gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin (thứ tư từ trái qua, hàng sau) vào chiều 2-6 bên lề Đối thoại Shangri-La 2023. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG SINGAPORE |
Thách thức an ninh châu Á và vai trò của Đối thoại Shangri-La
. Phóng viên: Theo đánh giá của ông thì châu Á đang phải đối mặt với những thách thức chính nào về quân sự, an ninh?
+ Ông Kei Koga: Thách thức chính là làm thế nào để giảm thiểu căng thẳng chiến lược ngày càng tăng giữa Mỹ và TQ. Cụ thể, về mặt quân sự, những thách thức này bao gồm việc giảm căng thẳng ở eo biển Đài Loan, quản lý sự hiện diện ngày càng tăng của TQ trong lĩnh vực hàng hải tại Biển Đông, biển Hoa Đông và Ấn Độ Dương. Bên cạnh đó, châu Á cũng cần quan tâm ứng phó với khả năng tên lửa và hạt nhân cũng như công nghệ tiên tiến đang được sử dụng trong quân sự, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo (AI).
. Bên cạnh các quốc gia và tổ chức trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các nhân tố bên ngoài cũng đang tăng cường sự ảnh hưởng ở khu vực, ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
+ Ngày càng có nhiều quốc gia châu Âu cũng như Liên minh châu Âu (EU) quan tâm đến việc tăng cường sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và xu hướng này có thể sẽ tiếp tục. Tuy nhiên sẽ khó đánh giá mức độ cam kết của các bên trong khu vực khi một cuộc xung đột ở chính châu Âu, đó là xung đột Nga - Ukraine vẫn đang tiếp diễn.
Thế nên trừ khi các nhân tố trên tham gia vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương một cách minh bạch và phối hợp tốt với các quốc gia ở khu vực, nếu không thì sự hiện diện của họ sẽ gửi một tín hiệu khó hiểu tới TQ. Điều này sẽ làm gia tăng căng thẳng hoặc có thể tạo ra các chính sách thiếu hiệu quả, mâu thuẫn với lập trường của các đồng minh và đối tác của họ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như Mỹ, Úc, Nhật và các quốc gia thành viên thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
. Trong bối cảnh châu Á - Thái Bình Dương đối mặt với nhiều thách thức, Đối thoại Shangri-La 2023 có ý nghĩa và vai trò như thế nào, thưa ông?
+ Đối thoại Shangri-La có thể hình dung là một địa điểm độc nhất vô nhị để các nhà hoạch định chính sách quốc phòng gặp gỡ và thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực. Phần quan trọng nhất của sự kiện là các cuộc thảo luận song phương, đa phương. Mặc dù bản thân các cuộc đối thoại không tạo ra sự ổn định nhưng nó là bước khởi đầu cần thiết, tạo điều kiện cho sự ổn định. Đây chính là đóng góp quan trọng của Đối thoại Shangri-La.
Tham gia Đối thoại Shangri-La 2023 có hơn 550 đại biểu đến từ các cơ quan quốc phòng, an ninh của hơn 40 quốc gia, tập trung thảo luận những thách thức quân sự mà khu vực đang đối mặt trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh công nghệ gia tăng.
Liệu căng thẳng Mỹ - Trung sẽ “chiếm sóng”?
. Cạnh tranh Mỹ - Trung ảnh hưởng thế nào đến Đối thoại Shangri-La 2023, thưa ông?
+ Khả năng cao sự cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung sẽ định hình các cuộc thảo luận ở Đối thoại Shangri-La 2023. Mỹ đang thể chế hóa các khuôn khổ lấy Washington làm trung tâm để duy trì ảnh hưởng và ưu thế của mình trong khu vực, chẳng hạn như nhóm “Bộ tứ kim cương” (QUAD, gồm Nhật, Úc, Mỹ, Ấn Độ), Hiệp định đối tác tăng cường an ninh ba bên Mỹ - Anh - Úc (AUKUS) và Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF). Theo thông tin tôi nhận được, TQ đã từ chối đối thoại quốc phòng cấp cao với Mỹ, có thể thấy căng thẳng vẫn ở mức cao.
. Giữa lúc quan hệ TQ và Mỹ căng thẳng, cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng TQ Lý Thượng Phúc và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin dù chưa được lên lịch nhưng đang rất được mong đợi. Ông nghĩ thế nào về tầm quan trọng của các cuộc đối thoại như thế với quan hệ hai nước cũng như để đảm bảo an ninh, ổn định trong khu vực?
+ Giữ kênh liên lạc Mỹ - Trung là điều kiện hàng đầu để giảm thiểu căng thẳng giữa hai nước. Những bất đồng luôn tồn tại. Chuyện họ (TQ và Mỹ) không nói chuyện với nhau sẽ tạo ra những hiểu lầm và quan điểm sai lầm về nhau. Trong bối cảnh này, điều quan trọng là cần tạo ra một diễn đàn như Đối thoại Shangri-La hoặc các thể chế do ASEAN dẫn dắt. Trong đó, Hội nghị bộ trưởng Bộ Quốc phòng ASEAN mở rộng (nơi Mỹ và TQ đều có thể tham gia) là một ví dụ.
. Xin cảm ơn ông.•
Việt Nam có thể đóng góp giảm căng thẳng khu vực
Theo PGS Kei Koga, Việt Nam cũng như các quốc gia khác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ không muốn thấy sự bất ổn về an ninh trong khu vực bởi vì điều này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của mỗi nước.
Nhận định Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh và có quan hệ chặt chẽ với cả TQ và Mỹ, ông Koga đề xuất Việt Nam có thể tạo ra một diễn đàn ba bên hoặc đa phương để các bên có cơ hội thảo luận và gắn kết với nhau.