Đội tuyển Việt Nam được và mất tại cúp thế giới

Lần đầu tiên sau hơn bốn năm gắn bó với bóng đá Việt Nam (VN), ông thầy người Hàn Quốc có đến bảy trận thua liên tiếp, tính từ trận cuối vòng loại thứ hai cúp thế giới cho đến nay.

Hồng Duy trong trận Việt Nam - Nhật 0-1. Ảnh: HẢI THỊNH

Biết mình đứng ở đâu

Những cái thua của đội tuyển VN giúp mình xác định vị trí ở đâu so với các đội bóng hàng đầu châu lục. Không phải tự nhiên AFC sắp xếp thầy trò ông Park là hạt giống số 6, cuối cùng ở bảng B và khi thực chiến, người ta càng rõ hơn đẳng cấp đến đâu trong nhóm 12 đội mạnh nhất châu Á.

540 phút không có điểm nào còn là những bài học về chuyên môn rất lớn cho đội tuyển VN. Cái khó của ông Park là trong khi hầu hết các đội tuyển trên thế giới đang thích ứng tốt ở mùa đại dịch COVID-19 bằng cách duy trì thường xuyên giải đấu thì cầu thủ VN chỉ tập chay, chờ đến ngày là vào sân thi đấu. Chính điều này khiến ông thầy người Hàn Quốc không dám sử dụng cầu thủ mới và không dám xáo trộn nhiều.

Đơn giản ông không thể nhìn kỹ phong độ thật của học trò. Nó dẫn đến việc cầu thủ từng chơi ổn định thì mặc nhiên có suất thi đấu. Có thể thấy rõ nhất về trường hợp của Phan Văn Đức không biết phong độ sao, khi ông Park luôn thấy tiền vệ gốc Nghệ An tập luyện rất tốt. Cách dễ nhất của ông Park là đưa ngay đội hình mà ông cho là mạnh nhất vào thi đấu, bởi sự hạn chế giữa đá thật và tập chay khác xa nhau.

Thêm vào đó, thiệt thòi khác của đội tuyển VN là gặp quá nhiều chấn thương rơi vào những cầu thủ trụ cột. Hùng Dũng vắng, rồi lần lượt Đặng Văn Lâm, Đoàn Văn Hậu, Trọng Hoàng… để lại những lỗ hổng rất lớn.

Hãy thông cảm và chia sẻ nhiều với HLV Park Hang-seo dù rất muốn nhưng cực kỳ khó thay đổi, thay vì nói ông bảo thủ.

Cái khổ là đội hình tối ưu của ông Park chỉ có bấy nhiêu con người đó thôi. Ai cũng thấy Hồng Duy yếu dần đi nhưng ông vẫn phải dùng, đâu có dám đưa Văn Xuân ra sân hay Tấn Tài từng gây ra một quả phạt đền trận thua ngược Oman cũng khiến ông ái ngại. Cho nên một khi vị trí chủ chốt mất đi, như Văn Hậu chấn thương còn có mỗi Hồng Duy thôi, đã làm khó ông Park. Nó còn nói thay cho bóng đá VN là tài năng không nhiều.

Những điểm sáng từ sáu trận thua

Đội tuyển VN thời điểm này không còn chịu những trận thua “vỡ mặt” như thời của các đàn anh mỗi lần đụng độ các đối thủ lớn châu Á thường thua nặng. Bây giờ học trò ông Park chỉ thua nhẹ Nhật, Úc, Saudi Arabia 0-1, thua Trung Quốc 2-3 ở phút bù giờ cuối cùng hay cách biệt 1-3 trước Oman, Saudi Arabia (lượt đi) đều trong thế dẫn bàn trước.

Những kết quả này về mặt chủ quan cho thấy bản lĩnh của cầu thủ VN. Họ không mất tinh thần và luôn nỗ lực hết sức mình. Về khách quan với bóng đá chuyên nghiệp ngày nay, các đội bóng tổ chức cao hàng đầu châu Á đều có quan niệm đá sao mất sức ít nhất mà hiệu quả cao nhất là 3 điểm. Họ không còn hứng thú đá theo kiểu “tàn sát” 5-7 bàn như xưa, để còn dành sức phục vụ cho CLB. Ví như Saudi Arabia hiện có 16 điểm thì chỉ cần một trận thắng nữa là giành vé vào vòng chung kết World Cup. Họ đâu cần so sánh hiệu số bàn thắng bại làm gì nữa, cái chính là đặt tính thực dụng và hiệu quả lên hàng đầu.

Chứng kiến đội tuyển VN thi đấu, ai cũng nhìn nhận có những thời điểm họ thi đấu rất tốt. Có nhiều khoảnh khắc học trò ông Park chơi ngang ngửa đối thủ mạnh hơn hẳn mình về mọi mặt, cùng khả năng thích ứng với nền tảng thể lực, tốc độ của một trận đấu lớn.

Không có nhiều tiếc nuối về thầy trò HLV Park Hang-seo ở cuộc chơi quá sức mình vẫn thể hiện lối chơi quả cảm và một tinh thần không từ bỏ. Có tiếc chăng là trận Trung Quốc đáng lẽ đội tuyển VN phải có 1 điểm, khi trận đấu chỉ còn tính bằng giây. Năm trận thua khác thì không tiếc, mà ngược lại biết học cách chấp nhận vì chênh lệch đẳng cấp quá lớn. Thực tế nỗ lực và hết mình chơi như thế là hay lắm rồi.•

Chênh lệch giữa tuyển Việt Nam và Nhật Bản

Có thể thấy rõ hơn trình độ cao thủ ở đội tuyển Nhật Bản. Dù tập trung ba tốp cầu thủ, có nhóm mất cả ngày đi đường và chỉ có một tiếng tập luyện cho trận đấu chính thức vẫn thừa sức bỏ túi 3 điểm. Họ luôn biết cách thích nghi với điều kiện di chuyển và lịch thi đấu dày đặc trong thời buổi bóng đá chuyên nghiệp, nhờ nền tảng sức khỏe, tính chuyên nghiệp và cả công tác hậu cần phục vụ cho đội tuyển. Sự chênh lệch của cầu thủ Nhật như một chiếc xe 500 phân khối, còn tuyển VN chỉ có 100 phân khối. Khi bình thường họ chạy ga nhỏ, lúc cần họ tăng tốc là cho đối thủ ngửi khói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm