Theo quyết định này, bên cạnh mục tiêu giữ vững chủ quyền biển, đảo, một mục tiêu quan trọng khác là phải nâng mức đóng góp của kinh tế đảo trong kinh tế cả nước từ 0,2% hiện nay lên khoảng 0,5% vào năm 2020.
Quyết định 568 xác định một mục tiêu quan trọng là phải làm sao để hệ thống đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền quốc gia ở các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Tận dụng tối đa các lợi thế kinh tế
Quyết định của Thủ tướng xác định rõ tại nước ta, các đảo có điều kiện thuận lợi như Cát Bà, Lý Sơn, Thổ Chu, Phú Quốc và một số đảo thuộc khu vực Trường Sa muốn phát triển khai thác hải sản bền vững trước hết cần phải chuyển hướng từ nghề cá gần bờ, ven đảo sang khai thác xa bờ bằng cách quản lý chặt hoạt động khai thác, giảm mạnh số phương tiện đánh bắt ven bờ, phát triển các đội tàu có công suất lớn, trang bị hiện đại, đủ sức vươn ra khơi xa. Cạnh đó, cơ sở hạ tầng nghề cá như cảng, bến cá, dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tránh bão cho tàu thuyền và hạ tầng nuôi trồng hải sản cũng phải được xây dựng đồng bộ.
Về du lịch, trước mắt sẽ sớm hình thành hai khu du lịch sinh thái biển đảo lớn, chất lượng cao là Phú Quốc và Vân Đồn với các loại hình vui chơi, giải trí mang đặc trưng vùng đảo như lặn biển, câu cá cảnh, du thuyền đáy kính để ngắm san hô… Phấn đấu đến năm 2020 du lịch đảo thu hút được 2,7-2,8 triệu lượt khách (trong đó có 700.000-850.000 lượt khách quốc tế).
Cần phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá như cảng, bến cá... để tận dụng tối đa lợi thế kinh tế đảo. Trong ảnh: Cảng cá tại Côn Đảo. Ảnh: HTD
Một số đảo có vị trí quan trọng như Cô Tô, Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Lý Sơn… cũng sẽ được đầu tư xây dựng một số trung tâm tìm kiếm cứu nạn hiện đại. Khi có thiên tai xảy ra, các trung tâm này sẽ phối hợp cùng các trạm tìm kiếm cứu nạn thuộc các lực lượng vũ trang trên đảo đáp ứng yêu cầu tìm kiếm cứu nạn để ứng phó kịp thời và tại chỗ.
Không quên quốc phòng, an ninh
Song song với phát triển kinh tế, các “pháo đài tiền tiêu” tại các đảo xa bờ như Bạch Long Vỹ, Cô Tô, Lý Sơn, Thổ Chu, Trường Sa… là một phần không thể thiếu trong định hướng phát triển kinh tế đảo. Chính phủ xác định phải huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, các lực lượng vũ trang và nhân dân trên đảo hình thành thế trận quốc phòng toàn dân trong việc bảo vệ vững chắc các vùng biển, đảo. Cạnh đó phải xây dựng và hiện đại hóa các lực lượng quản lý, bảo vệ biển đảo (không quân, hải quân, biên phòng, công an, cảnh sát biển…) bảo đảm tính cơ động, sẵn sàng chiến đấu cao và chủ động đối phó trong mọi tình huống.
Với những đảo nhỏ ít hoặc không có dân sinh sống nhưng có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng, nhiệm vụ hàng đầu là tăng cường tiềm lực quốc phòng để canh giữ và bảo vệ vững chắc. Đồng thời, kết hợp phát triển các ngành kinh tế có lợi thế để bảo tồn thiên nhiên.
“Việc bố trí các công trình kinh tế và dân cư trên các đảo nhất thiết phải chú ý đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, sẵn sàng phối hợp, ứng cứu lẫn nhau trong các tình huống. Ngược lại, các lực lượng vũ trang trên đảo ngoài nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo cần đẩy mạnh phát triển sản xuất, đồng thời hỗ trợ và tạo điều kiện để các hoạt động kinh tế trên biển được thường xuyên, an toàn và hiệu quả” - Quyết định 568 nhấn mạnh.
Đưa dân ra giữ đảo
Theo Quyết định 568, mô hình “Xây dựng đảo thanh niên” sẽ tiếp tục thực hiện để đưa dân ra các đảo sinh sống lâu dài. Đối với các đảo chưa có dân, có vị trí quan trọng, điều này càng trở nên quan trọng hơn. Trước mắt sẽ tiến hành điều tra, khảo sát cụ thể, xác định điều kiện tự nhiên của từng đảo, cơ cấu ngành nghề để có kế hoạch di dân hợp lý.
Chính phủ cũng nêu rõ một số giải pháp để thu hút và khuyến khích nhân dân ra định cư lâu dài trên đảo, khuyến khích ngư dân phát triển và khai thác nuôi trồng hải sản tại các vùng biển xa bờ. Theo đó, cần sớm nghiên cứu, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với vị trí, chức năng từng đảo, cụm đảo. Với các vùng đảo đặc biệt khó khăn, ngoài chính sách chung cần có ưu đãi cao hơn. Áp dụng các chính sách cử tuyển và trợ cấp học phí cho con em vùng đảo đi học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học… trở về công tác tại đảo.
Đối với các đảo trọng điểm về phát triển kinh tế, cần cụ thế hóa cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước để phát triển nhanh trong thời gian tới.
Hướng đầu tư cho Phú Quốc, Lý sơn Đảo Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ được đầu tư phát triển nhanh để trở thành điểm nhấn của tam giác kinh tế phía Nam (Phú Quốc-Cà Mau-Hà Tiên). Nơi đây sẽ trở thành trung tâm thương mại, tài chính lớn và hiện đại trong khu vực, gắn phát triển du lịch với dịch vụ hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế. Toàn cảnh đảo Phú Quốc nhìn từ trên cao. Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) sẽ được tập trung xây dựng và nâng cấp đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là các dự án cấp điện. Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền tại cồn An Vĩnh, nâng cấp cảng cá Lý Sơn, xây dựng cảng Bến Đình làm cảng hàng hóa có thể tiếp nhận tàu 500-600 CV. Ưu tiên trang bị các đội tàu cao tốc tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho nhân dân. |
THU HƯƠNG