Đồng bộ khởi công dự án vành đai 3 vào tháng 6-2023

(PLO)- TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An đang đẩy nhanh tiến độ, sẵn sàng giải phóng mặt bằng để đồng bộ khởi công dự án đường vành đai 3 vào tháng 6-2023.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 2-12, báo Tuổi Trẻ và cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức hội thảo "Thúc đẩy dự án vành đai 3 - Động lực mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”. Tại đây, các địa phương đã báo cáo tiến độ triển khai dự án cũng như đánh giá về vai trò vô cùng quan trọng của dự án đường vành đai 3 trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Các lãnh đạo, đại biểu tham quan triển lãm về dự án đường vành đai 3 tại hội thảo. Ảnh: ĐÀO TRANG

Các lãnh đạo, đại biểu tham quan triển lãm về dự án đường vành đai 3 tại hội thảo.
Ảnh: ĐÀO TRANG

Quyết tâm đẩy nhanh tiến độ dự án

Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết việc hoàn thành dự án đường vành đai 3 TP.HCM sẽ mang đến sự thay đổi đột phá về cục diện giao thông, góp phần tháo gỡ ba điểm nghẽn đã tồn tại hàng chục năm qua trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ba điểm nghẽn đó bao gồm điểm nghẽn về giao thông; điểm nghẽn về không gian phát triển và điểm nghẽn về động lực, nguồn lực phát triển. Do vậy, ông Bằng cho rằng dự án đường vành đai 3 cần được đầu tư sớm và đây là nhiệm vụ trọng tâm của TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An trong thời gian tới.

Ông Bằng thông tin dự án đường vành đai 3 có khối lượng công việc rất lớn, hiện chủ đầu tư, tư vấn đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để sớm phê duyệt dự án đầu tư vào đầu tháng 12-2022. Sau khi được phê duyệt, dự án sẽ triển khai ba nhóm công việc chính gồm chuẩn bị thiết kế, dự toán; bản vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu và khởi công gói thầu đầu tiên vào tháng 6-2023.

“Dự án đường vành đai 3 là dự án trọng điểm, đi qua nhiều địa phương, công tác giải phóng mặt bằng, công tác xây dựng với khối lượng rất lớn. Do đó, để đảm bảo tiến độ đề ra cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ nói chung và của TP.HCM nói riêng.

Vì vậy, TP.HCM sẽ phát huy cao độ vai trò chỉ đạo của Ban chỉ đạo dự án, Ban chỉ huy các dự án thành phần. Đồng thời tiếp thu các ý kiến góp ý của bộ, ngành trung ương, của hội đồng cố vấn. Từ đó, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện” - ông Bằng nhấn mạnh.

Ông Bằng cũng cho biết hiện Sở GTVT TP cũng đang khẩn trương hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi với chất lượng tốt nhất, trình UBND TP phê duyệt trong tuần tới.

Bám sát tiến độ dự án

Thông tin tại hội thảo, ông Trần Thiện Trúc, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, cho biết dự án đường vành đai 3 có vai trò và ý nghĩa quan trọng với Long An. Do đó, tỉnh Long An luôn nỗ lực, đảm bảo tiến độ theo đúng mục tiêu chung của các địa phương. Hiện tỉnh Long An đang đảm bảo tiến độ chung để có thể khởi công dự án trong tháng 6-2023.

Hiện Sở GTVT TP đang khẩn trương hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi với chất lượng tốt nhất, trình UBND TP phê duyệt trong tuần tới.

Tương tự, ông Nguyễn Bôn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, cho hay đối với dự án đường vành đai 3, tỉnh Đồng Nai đã giao ranh mốc khoảng 80%. Dự kiến tới ngày 30-6 cũng sẽ đồng loạt khởi công dự án.

Đối với TP.HCM, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP, cho biết TP.HCM có 47 km đường vành đai 3 với hai dự án thành phần. TP.HCM cũng là đầu mối phối hợp với các địa phương có tuyến vành đai 3 đi qua. Do đó, việc khởi công, hoàn thành dự án này một cách đồng bộ, nhất quán là vô cùng quan trọng.

Theo ông Phúc, dự kiến dự án sẽ được khởi công đồng bộ vào tháng 6-2023 và sẽ khai thác vào cuối năm 2025, khai thác đồng bộ vào năm 2026. Để đảm bảo tiến độ này, TP.HCM đã đề ra năm nhóm công việc cần hoàn thành. Trong đó, thách thức lớn nhất hiện nay là giá bồi thường, TP luôn nỗ lực giá bồi thường phải tiệm cận với người dân. Đồng thời, vấn đề tái định cư phải bằng hoặc tốt hơn cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Góp ý tại hội thảo, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho biết tầm quan trọng của dự án đường vành đai 3 ai cũng thấy nhưng vấn đề là làm thế nào để dự án được triển khai và hoàn thành đúng tiến độ. Để giải quyết vấn đề này, theo ông Dũng, ngoài việc bảo đảm nguồn lực tài chính và năng lực kỹ thuật, một cơ chế thông thoáng là không thể thiếu.

Theo ông Dũng, trước hết và quan trọng nhất là cơ chế để giải phóng mặt bằng dù Nghị quyết 57/2022 của Quốc hội đã cho phép “người đứng đầu của cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu... các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”. Tuy nhiên, chỉ định thầu cho bất kỳ ai thì mức giá bồi thường phải như thế nào, hỗ trợ, tái định cư cần ra sao vẫn là những vấn đề còn phải mất vô cùng nhiều công sức mới có thể giải quyết được.

Kinh nghiệm của việc thực hiện dự án đường vành đai 2 TP.HCM cho thấy đây là những vấn đề có khi phải mất đến hàng chục năm trời chưa chắc đã giải quyết xong” - ông Dũng nói.•

Dự án vành đai 3 sẽ là bài học kinh nghiệm quý

Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường cho biết hội thảo đã mang đến nhiều vấn đề cần tiếp thu, nghiên cứu và cần thực hiện.

Theo đó, nhóm công việc đầu tiên là cần thực hiện công tác triển khai dự án, bồi thường giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ, chất lượng theo đúng mục tiêu dự án đã duyệt. TP.HCM và các địa phương cần hết sức nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành và cần đưa ra KPI để đảm bảo tiến độ đề ra.

Thứ hai, TP.HCM và các địa phương cần mở rộng không gian phát triển đô thị trong quá trình tổ chức quy hoạch, quy hoạch mới. Chỉ với 47 km, TP.HCM đã phải điều chỉnh 27 đồ án quy hoạch, vì vậy TP cần tập trung làm sao khai thác quỹ đất để phát triển, tạo được điểm nhấn, kết nối để phát triển đồng bộ trong tổng thể mạng lưới giao thông.

Thứ ba, cơ chế cho đường vành đai 3 sẽ là những bài học kinh nghiệm rất quý để triển khai các dự án khác như TP.HCM - Chơn Thành và TP.HCM - Mộc Bài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm