Ngày 22-12, tại Bà Rịa- Vũng Tàu diễn ra hội nghị xúc tiến du lịch vùng Đông Nam Bộ với sự tham dự của các sở VH-TT & Du lịch, Sở Du lịch, Hiệp hội du lịch, doanh nghiệp của 6 tỉnh gồm Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh. Đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam có ông Hà Văn Siêu, Phó cục trưởng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã có những phát biểu, chia sẻ sâu về thực tế phát triển du lịch các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, những tiềm năng, lợi thế từng địa phương cũng như cả vùng; hạn chế trong liên kết, quảng bá xúc tiến du lịch chung.
Lấy khách du lịch làm trung tâm
Từ đó, các ý kiến trao đổi, nêu giải pháp, hiến kế để có chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch chung cho du lịch vùng Đông Nam Bộ không chỉ trong nước mà cả quốc tế; Chia sẻ thông tin, định vị lại hình ảnh, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, chuỗi sản phẩm du lịch của vùng; quan tâm đến chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực là người địa phương để làm hướng dẫn viên cho các tour du lịch trải nghiệm.
Ngoài ra, có chiến lược phát triển tour du lịch sinh thái dưới tán rừng-một lợi thế lớn mà các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đều có; phát triển du lịch sức khỏe, hình thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, dưỡng lão bằng những bài thuốc đông y, dược liệu; Du lịch gắn với bảo đảm an toàn cho du khách, gắn với bảo vệ môi trường…
Các ý kiến cũng nhấn mạnh đến cần có chiến lược maketing du lịch chung của vùng, trong đó nhấn mạnh “Nhà nước làm gì, doanh nghiệp làm gì, người dân làm gì”. Đồng thời lấy khách du lịch làm trung tâm để phát triển các sản phẩm du lịch, tour tuyến, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách hiện nay.
Tại hội nghị, ông Hà Văn Siêu, Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã có những đánh giá chung vùng Đông Nam Bộ có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng cả về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn với truyền thống văn hóa, lịch sử, làng nghề để phát triển nhiều loại hình du lịch.
Doanh thu chưa tương xứng
Nhưng mặc dù chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng số khách du lịch của nước, nhưng doanh thu du lịch vùng Đông Nam Bộ còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tỷ trọng khách du lịch của vùng. Đây là một bài toán mà vùng Đông Nam Bộ cần tập trung giải quyết, đưa ra các giải pháp nhằm tăng doanh thu từ du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của khách trong thời gian đến với vùng.
Ông Hà Văn Siêu cũng chia sẻ thêm những giải pháp, trong đó nhấn mạnh các tỉnh vùng Đông Nam Bộ nên khai thác những giá trị chiều sâu trong tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng. Trong đó có chiều sâu về văn hóa. Chính những giá trị chiều sâu về văn hóa tạo nên sự khác biệt. Chính lối sống của người dân bản địa tạo nên sự riêng biệt của vùng đất Đông Nam Bộ.
Theo quy hoạch mới, cả nước sẽ có 6 vùng du lịch. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đồng hành với các địa phương và hỗ trợ đẩy mạnh việc liên kết vùng trong phát triển du lịch.
Tại vùng Đông Nam Bộ, để làm tốt công tác quảng bá, truyền thông về du lịch vùng Động Nam Bộ chung của vùng thì các tỉnh cần liên kết và cần có một đội ngũ làm tốt, cùng xây dựng các ý tưởng, triển khai hiệu quả.