Ngày 5-12, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản cát san lấp trong báo cáo kết quả khảo sát khoáng sản cát trên sông Tiền đoạn thuộc xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự
Theo đó, diện tích khu vực thăm dò, phê duyệt trữ lượng là 29,02 ha được chia thành 2 khu gồm: Khu A có diện tích là 17,28 ha và Khu B có diện tích là 11,74 ha.
Tính đến tháng 10-2023, trữ lượng khoáng sản cát san lấp đã tính trong báo cáo (cấp 122 cát thực tế toàn mỏ) là 1.964.114 m3, trong đó trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác là 1.422.560 m3 (trữ lượng cấp 122 tính đến mức sâu -17m).
Quyết định cũng nêu rõ, toàn bộ trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác nêu trên chỉ được cung cấp cho cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Sau khi đã khai thác khoáng sản đủ khối lượng cung cấp cho Dự án, nhà thầu có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao mỏ khoáng sản và đất đai để địa phương quản lý theo quy định pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác liên quan.
Dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau được khởi công từ ngày 01/01/2023, các nhà thầu đã tổ chức 140 mũi thi công, huy động 440 máy móc thiết bị các loại, cùng 1.072 nhân sự (kỹ sư và công nhân). Sau hơn 11 tháng (tính đến tháng 11-2023) sản lượng thi công chỉ đạt 13% giá trị hợp đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường nên Nhà thầu chỉ có thể triển khai thi công các hạng mục cầu trên tuyến và đào đất không thích hợp, đắp bờ bao và thi công đường công vụ, cầu tạm.
Ngoài ra một số vị trí trên tuyến còn vướng mặt bằng, một số vị trí vướng công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di dời (đặc biệt là đường điện cao thế) nên khó khăn trong việc tiếp cận để di chuyển thiết bị vào thi công.
Nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường của Dự án cần khoảng 18,5 triệu m3, trong đó tỉnh An Giang được giao cung cấp 07 triệu m3 (năm 2023 là 3,3 triệu m3); Đồng Tháp 07 triệu m3 (năm 2023 là 3,3 triệu m3); Vĩnh Long 05 triệu m3 (năm 2023 là 2,5 triệu m3).