Theo Bộ KH-ĐT, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký trong tháng 5 chỉ đạt hơn 1,5 tỉ USD, giảm tới 60% so với tháng trước. Tính chung cho 5 tháng đầu năm 2020, tổng vốn FDI đăng ký đạt hơn 13,9 tỉ USD, giảm 17% so với cùng kỳ.
Chẳng hạn, FDI đăng ký cho lĩnh vực chế biến, chế tạo chỉ đạt 0,91 tỉ USD, giảm tới 72% so với tháng trước. Tính chung cho 5 tháng, tổng FDI đăng kí lĩnh vực chế biến, chế tạo chỉ đạt 6,9 tỉ USD, chỉ bằng gần một nửa so với cùng kỳ.
Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện 3.528 lượt góp vốn và mua cổ phần với tổng giá trị góp vốn gần 3 tỉ USD, giảm 60,9%.
Theo ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), hiện nhiều người đang lo ngại các nhà đầu tư nước ngoài đang tận dụng sự suy yếu của các công ty Việt trong bối cảnh dịch COVID-19 để tung tiền thâu tóm. Có nghĩa rằng, dòng vốn mua cổ phần, góp vốn đang lấn át các dòng vốn đăng ký mới.
Tuy nhiên, theo ông Thắng, hiện tượng mua góp vốn cổ phần hay thực hiện thương vụ mua bán và sáp nhập đã có trước đó thời gian dài, nhưng gần đây không phải là xu hướng mạnh và lấn át đầu tư trực tiếp.
Nếu nhìn vào số liệu sẽ thấy những vấn đề nói trên. Năm 2018, tổng vốn đăng ký trên 36 tỉ USD, nhưng góp vốn mua cổ phần chỉ là 10 tỉ USD. Năm 2019, dòng vốn FDI có 38,9 tỉ USD thì góp vốn là 15,5 tỉ USD. Bốn tháng đầu năm 2020, trong tổng số dòng vốn FDI là 12,3 tỉ thì góp vốn, mua cổ phần chỉ 2,4 tỉ USD.
"Xu thế mua bán và sáp nhập chưa phải ở mức quá đáng lo ngại. Cái lo ngại là nhận biết sớm xu hướng này và quản lý cần phải chặt chẽ. Điều quan trọng trong quá trình để nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, góp vốn, chúng ta phải kiểm soát chặt để đừng bán thị trường tạo sự cạnh tranh trong nước.
Chúng ta đừng để nước ngoài vào đầu tư chui, hay đầu tư núp bóng bằng cách để người Việt đứng mua nhưng thực ra đằng sau đó, nhà đầu tư nước ngoài quản lý điều hành" - ông Thắng nói.