Theo dòng thời sự

Đưa cao tốc vào sử dụng: Phải coi an toàn là trên hết!

(PLO)- Với tình hình hiện tại, chưa ai dám chắc bao giờ thì hai đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây hoàn chỉnh theo thiết kế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đến thời điểm này, “tối hậu thư” mà Bộ GTVT đưa ra yêu cầu các ban quản lý dự án phối hợp với nhà thầu hoàn chỉnh các hạng mục còn lại trên hai đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây đã quá hạn năm ngày.Tuy nhiên, bốn nút giao trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây qua hai tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận vẫn còn đóng chặt.

Được biết trước đây các nút giao nói trên được tạm mở cho các xe lên xuống cao tốc nhưng sau vụ tai nạn giao thông ngày 23-6, tại Km29+800 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khiến một tài xế thiệt mạng, các nút giao này đã bị đóng lại. Rất nhiều chủ xe đã phải kêu trời khi các nút giao bị đóng mà không có thông báo, họ phải đi đường vòng quá xa, thậm chí xa hơn khi chưa có tuyến cao tốc này.

Công bằng mà nói, nhà thầu chỉ có một lựa chọn là đóng các nút giao để thi công bởi công điện của Bộ GTVT đã nói rõ: “Chủ đầu tư, các nhà thầu chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và trước bộ trưởng Bộ GTVT nếu xảy ra mất an toàn giao thông trong quá trình thi công các dự án”.

Và cũng thật dễ hiểu, trên đoạn cao tốc có tốc độ 80-120 km/giờ này lại liên tục có những bảng cảnh báo công trường đang thi công, hạ tốc độ đột ngột xuống 60 km/giờ. Họ buộc phải cắm biển giảm tốc độ để đảm bảo an toàn cho những xe đang lưu thông nhưng trước mắt họ phải bảo vệ cho chính mình.

Hơn hai tháng qua, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào khai thác tạm nhưng đã tạo khác biệt lớn cho ngành du lịch tỉnh Bình Thuận. Khách sạn, resort liên tục quá tải kể cả ngày thường nhờ lượng khách cực lớn đi tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khi thời gian rút ngắn gần một nửa. Tuy nhiên, hầu hết tài xế đi qua đoạn cao tốc này đều cho rằng họ luôn cảnh giác, không dám chạy đúng tốc độ khi cao tốc này chưa hoàn thành theo thiết kế.

Bằng chứng là thỉnh thoảng lại thấy xe máy xuất hiện hoặc ô tô chạy ngược chiều, thậm chí có cả gia súc cũng nghênh ngang di chuyển trên cao tốc. Xe lưu thông trên cao tốc đã cảnh giác, con người thi công trên cao tốc còn phải cảnh giác hơn bởi họ phải thi công giữa một “rừng” xe qua lại với tốc độ cao. Bên cạnh đó, thời gian này đang là cao điểm mùa mưa ở khu vực Đông Nam Bộ, khó khăn chồng chất khó khăn mặc dù Bộ GTVT liên tục phát công điện, ra “tối hậu thư”.

Với tình hình hiện tại, chưa ai dám chắc bao giờ thì hai đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây hoàn chỉnh theo thiết kế.

Đã có lúc trước khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tạm thời đưa vào khai thác, Cục CSGT Bộ Công an đã có kiến nghị tạm thời hạn chế tốc độ tối đa. Cụ thể, điều chỉnh vận tốc 120 km/giờ xuống 100 km/giờ trong giai đoạn khai thác tạm thời và hạn chế tốc độ 80 km/giờ tại các đoạn đào sâu, đắp cao, mái taluy nếu chưa hoàn thiện việc gia cố bằng tường chắn khung bê tông…

Giờ đây, khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (và cả cao tốc Cam Lâm - Nha Trang) vừa khai thác vừa thi công, khi có nhiều vụ tai nạn xảy ra thì giải pháp đảm bảo an toàn cao nhất phải được đưa ra hơn là điệp khúc về thời hạn hoàn thành.

Ai cũng muốn chạy xe trên cao tốc nhưng phải chạy trong điều kiện đảm bảo an toàn. Chứ nếu đưa cao tốc vào sử dụng mà tài xế nào cũng luôn nơm nớp lo sợ tai nạn giao thông rình rập, các cơ quan, đơn vị liên quan luôn lo ngại trách nhiệm liên đới thì rõ ràng hiệu quả kinh tế - xã hội của cao tốc chưa thật sự phát huy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm