Đó là kết luận khi tôi viết về đứa con trai lớn bị bệnh tự kỷ Taki trong sách Cha Voi.Trong quá trình nuôi dạy con, Taki đã dạy cho tôi tính kiên nhẫn và kỹ năng quản lý cảm xúc vì có giận, la mắng khi Taki làm gì mình không vui thì cũng bằng thừa bởi người tự kỷ không có khả năng hiểu cảm xúc của người khác.
Đến nay Taki đã lớn, đã đi làm fulltime (công việc toàn thời gian) cũng được hơn 4 năm với thu nhập có thể tự lập. Người bị bệnh tự kỷ rất khó biểu lộ cảm xúc của mình nhưng điều đó không có nghĩa là họ không có cảm xúc. Với những người họ thật sự tin tưởng thì may ra họ có thể cảm thấy thoải mái thể hiện cảm xúc. Với người lạ thì hầu như rất khó tương tác.
Chiếc bánh sinh nhật Taki dành tặng tôi |
Mấy ngày trước sinh nhật của tôi, Taki gọi: "Bố ơi, cuối tuần là sinh nhật của bố. Con làm việc đến 3 giờ chiều xong rồi. Bố có thể đến chở con đi ăn tối nhé". Tôi bật cười tính nói lại: "Ủa, sinh nhật bố mà sao bố lại đến chở con đi ăn!" nhưng lại thôi, vui vẻ trả lời: "OK. Chiều thứ 7 bố ghé".
Khi đến thì Taki tay ôm hộp bánh bảo đây là bánh sinh nhật của bố. Tôi vui lắm vì nó từ Taki chứ không phải người khác. Thế là hai cha con đi nhà hàng Mỹ nổi tiếng trong thành phố với món bò steak và prime rib. Sau bữa ăn Taki bảo: "Con no quá rồi nên không thể ăn bánh sinh nhật của bố được. Mai bố đến chở con về nhà bố ăn bánh sinh nhật vậy". Tôi lại bật cười, nghĩ trong bụng, ai bảo người tự kỷ khù khù khờ khờ, đứa con này của tôi khôn bà cố vì cậu ta muốn có thêm thời gian chơi với bố trước khi bố về Việt Nam.
Đến nay tôi vẫn thầm cảm ơn trời đã cho tôi một món quà ý nghĩa và tôi cảm thấy hạnh phúc vì những tình cảm mà Taki có thể biểu lộ với bố. |
Với nhiều cha mẹ có con bị tự kỷ, tôi thấu cảm cho những lo lắng, những nỗi buồn có pha tí mặc cảm vì con mình không bằng con người ta. Taki có thể không đem lại cho tôi niềm hãnh diện về những thành tựu khoa bản nhưng từ khi có Taki đến nay tôi vẫn thầm cảm ơn trời đã cho tôi một món quà ý nghĩa và tôi cảm thấy hạnh phúc vì những tình cảm mà Taki có thể biểu lộ với bố.