PLO xin giới thiệu bài viết" Đường Lý Chiêu Hoàng" của nhà văn Hoàng Đình Quang.
Tượng thờ "Vua Bà" Lý Chiêu Hoàng tại đền Rồng. Ảnh tư liệu
Ở thành phố này có một con đường mang tên Lý Chiêu Hoàng. 39 năm qua, tôi mới trở lại và thật bất ngờ, rộng dài, khang trang và sạch đẹp. Lý Chiêu Hoàng - Vị Vua Bà duy nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, nhưng mang một số phận nghiệt ngã, đau thương, tên của bà vọng mãi đến tận ngày hôm nay như một bài hát buồn... Con đường ấy, với tôi đã để lại những kỷ niệm vui buồn hạnh phúc của những ngày đầu giải phóng 30-4-1975.
Nhớ lại những ngày gấp rút, hào hùng ấy, tôi nhớ, căn cứ của tạp chí Văn Nghệ Quân giải phóng lúc bấy giờ đóng ở Sóc Măng Cải, cách Lộc Ninh chừng 7-8km, có nhà văn Nguyễn Trọng Oánh (Nguyễn Thành Vân) ở nhà. Nhà văn Thanh Giang nằm viện. Trần Mạnh Hảo nằm ở cái lán sát mép suối, tôi ở trên lưng đồi, vắng lặng. Một buổi trưa, có tiếng người hỏi như quát: “Thằng nào là thằng Quang? Văn Lê đây!”. Văn Lê có cái đầu nhỏ, trọc lốc thò vào, cười miệng rộng. Thế rồi anh phải vào nằm viện cùng với Thanh Giang, tôi có vào thăm 1 lần.
Người lính Hoàng Đình Quang
Tình hình chiến sự diễn ra nhanh chóng mặt. Hôm giải phóng Đà Nẵng, 29-3, anh Oánh gọi chúng tôi đến bảo: “Mỗi ông làm gấp một bài thơ, đưa cho tôi, để tôi gửi Đài Phát Thanh Giải Phóng ngay”.
Bài thơ của tôi tôi quên rồi, nhưng cái đầu đề thì còn nhớ: Thành phố về ta và em về anh! Nghe nói được phát ngay vài hôm sau.
Chúng tôi cứ cặm cụi viết. Tôi xong cái truyện ngắn “Thiềng”, đưa cho Thanh Giang, sau này in ở tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng số cuối cùng, số 35. Ngoài ra thì tưới rau, lấy củi và nghe đài.
Buổi chiều, chúng tôi nghe Đài Sài Gòn thấy Nguyễn Văn Thiệu từ chức tổng thống. Tối, đội chiếu bóng của Miền (do Hứa Vĩnh Sước – tức nhà thơ Y Phương – làm thuyết minh) chiếu bộ phim “Không nơi ẩn nấp”, đến đoạn tên gián điệp giở trò hãm hiếp cô gái ở bãi dâu thì ai đó lấy mũ cối che ống kính máy chiếu đi.
Sáng hôm sau tôi và anh bạn Hùng (nhà thơ lính A72 – tên lửa vác vai), rời cơ quan xuống mặt trận. Hướng chúng tôi thạo chính là hướng quân đoàn 232 (Tây-Tây-Nam), có thể đi theo đường Lò Gò, Xóm Giữa. Vùng này tôi quen thuộc vì tôi vừa từ đấy về VNQGP. Anh Oánh đã cùng với Nhạn (chúng tôi đùa là Thích Đinh Nhạn) đi mấy hôm trước.
Chúng tôi không đem súng, duy nhất có tờ giấy giời thiệu của Phòng tuyên huấn, in tipo, có chữ ký của ông Lê Thế Kỷ, không có dấu. Chính nhờ có tờ giấy này, mà tôi được nhập bọn với đoàn máy cày từ miền Bắc vào Đồng Tháp Mười, do ông Trưởng đoàn là bạn với ông Lê Thế Kỷ từ 20 năm trước. (Chuyện nghe có vẻ buồn cười, nhưng đúng là có 1 đoàn máy cày mấy chục chiếc hành quân từ miền Bắc vào, bò mấy tháng mới đến bờ sông Vàm Cỏ Đông). Vì không chen chân được với xe tăng, nên phải chờ. Khi mặt trận phát triển nhanh quá, công binh dỡ phà, máy cày nằm lại, tôi cũng từ biệt họ để quay lại thị xã Tây Ninh. Đêm ấy tôi ngủ nhờ một gia đình ở Gò Dầu Thượng, có người mẹ trẻ mới sinh con lúc chiều. Sáng sớm tôi cuốn võng bắt xe lôi về thị xã Tây Ninh. Vừa lúc Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.
Thị xã mất điện, bến xe nhốn nháo. Vừa hay có hai cậu lính bộ binh có súng AK, chúng tôi rủ nhau bắt xe đò về Sài Gòn. Xe chật cứng, cố chạy, chúng tôi leo lên nóc. Hai bên đường không còn, nhưng súng đại liên ghếch nòng, áo quần vất vương vãi. Sập tối, xe vào đến Bảy Hiền, đường Nguyễn Văn Thoại (giờ là Lý Thường Kiệt) và cập bến Petrus Ký (giờ là Lê Hồng Phong).
Ngay bên kia đường là Cảnh sát cuộc phường Chợ Quán. Chúng tôi vào – giấy thông hành duy nhất là bộ quân phục – anh em tự vệ đã tiếp quản, mời chúng tôi ăn cơm đĩa, cơm sườn, cà chua, rau sống.
Đêm ấy thỉnh thoảng lại có vài tiếng súng AR15, không phải đánh nhau mà anh em tự vệ thị uy đám người đến cướp xăng ở cây xăng góc đường Nguyễn Hoàng. Tôi nhớ trên đường Nguyễn Hoàng (Trần Phú bây giờ) đoạn gần Ngã Sáu, vẫn còn xác chiếc máy bay L19 nằm phập phềnh trên dây điện.
Về đơn vị trình diện – số 2 BIS Hồng Thập Tự (Cục chiến tranh tâm lý, giờ là tổ hợp doanh nghiệp, đường Nguyễn Thị Minh Khai) rồi liên hoan xong, tôi đến Bộ chỉ huy quân sự thành phố (đường Hồ Văn Ngà – bây giờ là Lê Thị Hồng Gấm). Căn nhà nghe nói của Chú Hoả, rất đồ sộ - bây giờ là Hội sở của Ngân hàng Eximbank. Ở đây tôi gặp Lam Giang và Lương Minh Cừ, các bạn thơ biết tên nhưng chưa gặp mặt. Các anh khuyên tôi, nên về một quận có nhiều lao động nghèo. Thế là tôi cầm giấy giới thiệu về quận 6.
Thời gian tôi ở đây không nhiều, chừng hai tháng, nhưng đó là những ngày đầu giải phóng, thật sự tôi sống với bà con lao động Sài Gòn – Chợ Lớn. Với một chàng trai ngoài 20 tuổi, hoàn toàn lạ lẫm với đô thành, tôi đã nhận được rất nhiều tình cảm và điều đó đã bồi đắp nhận thức cho tôi sau này.
Trưởng phòng thông tin văn hoá Quận 6 (hay 1 cơ quan gì đó tương đương thuộc UB quân quản) lúc ấy là anh Mười Triết. Anh Mười cũng là cán bộ văn nghệ kháng chiến về tiếp quản, nên dễ chia sẻ với chúng tôi. Ăn thì có gì ăn nấy, ở thì gặp đâu ngủ đấy. Tôi xin anh xuống một phường. Anh bảo một cậu thanh niên đèo xe máy đưa tôi xuống Phường Bình Phú. Ủy ban phường đóng ở trường tiểu học Bình Phú, nằm trên một con đường nhỏ lầy lội, như một phố huyện u ám, thưa thớt nhà cửa. Đó là đường Lý Chiêu Hoàng!
Chủ tịch phường là anh Dũng, vốn là bộ đội địa phương, quân phục vi-nylon, mũ tai bèo hất ra sau lưng, có vẻ rất lúng túng. Tôi được bổ sung vào lực lượng cứu trợ cho dân. Công việc là cùng anh em, phần nhiều là học sinh lớp 11, 12 nhận gạo đến ngôi Chùa trên đường Lý Chiêu Hoàng chia cho bà con. Mỗi nhà được 10 ký, gạo không được tốt lắm, nhưng ai cũng hồ hởi, cám ơn cách mạng.
Buổi tối thì tụ tập nhau, toàn các bạn trẻ, học hát. Tôi kể chuyện bộ đội. Cũng chả biết nhiều, cứ kể kinh tinh, có chỗ phóng đại lên cho hấp dẫn, vậy mà các bạn nghe chăm chú. Lúc ấy, chính tôi mới là người quả quyết rằng: cách mạng là thần thánh, là vô địch!
Lúc ở Phòng văn hoá quận tôi có quen hai chị em Hồng và Minh gọi anh Mười Triết là cậu. Cả hai chị em đều rất xinh đẹp, Hồng là chị tươi tắn, cởi mở, còn cô em là Minh thì âm thầm kín đáo hơn. Hồng được cử lên thành phố học lớp thuyết minh chiếu phim. Sáng ăn một chén cơm với chúng tôi rồi đạp xe lên 164 – Đường Tự Do (Đồng Khởi) để học. Tôi gửi Hồng bài thơ tôi vừa viết xong nhờ đi qua Toà báo Sài Gòn Giải phóng ở số 432 Đường Hồng Thập Tự, cứ gửi vào đấy cho bảo vệ. Hai ngày sau báo đăng. Đó là bài thơ “Hát Quốc ca”, Hồng reo lên: Đó, nhờ công em đó!
Có lần Hồng rủ tôi đi tuyên truyền trên chiếc xe La Dalat có gắn loa phóng thanh. Xe chạy vào Chợ Lớn Mới (tức chợ Bình Tây) để Hồng đọc chủ trương và những quy định của quận. Giọng rất đanh thép nhưng truyền cảm.
Xe đang chạy từ từ thì bỗng đâu có một người đàn ông, đầu bê bết máu lăn ra chặn xe lại kêu gào. Chẳng biết kêu gì, nhưng Hồng sợ quá, co rúm người lại. Sau anh em tự vệ phải can thiệp, đưa anh ta vào lề đường, xe mới đi tiếp.
Ban ngày vui như hội. Đêm tôi mắc võng ở cửa sổ lớp học, nằm nhìn ra khoảng sáng mập mờ ở sân trường. Mưa, ếch nhái kêu ran như cánh đồng quê tôi. Hoà bình rồi, tôi chỉ mong được về thăm bố mẹ và các em tôi. Tôi muốn mong được gặp các bạn học, anh chị em... Và thế là tôi cứ nhớ lung tung...
Chợt tôi nghĩ đến những con đường ở Sài Gòn này. Tôi thấy các con đường rộng thênh thang, dài hun hút như Lê Lợi, Hàm Nghi, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Đồng Khánh, Trần Hoàng Quân... Họ là những ông vua, những đại vương và cả những vị đại tá... Đèn sáng thâu đêm, người xe tấp nập. Thế mà...
Nghệ sĩ Tâm Tâm trong vai diễn Lý Chiêu Hoàng.
Lý Chiêu Hoàng là vị vua nữ của triều đại nhà Lý. Bà là vị vua cuối cùng và bất đắc dĩ, vì cha Bà, vua Lý Huệ Tông đã không có con trai. Lúc ấy, kiến thức lịch sử của tôi còn sơ lược, tôi chỉ biết bà bí lừa lấy Trần Cảnh. Rồi nhường ngôi, mất ngôi. Khi làm vua, Trần Cảnh đã phế bà lấy chị bà làm hoàng hậu. Lý Chiêu Hoàng bị bỏ rơi suốt cả tuổi thiếu nữ xinh tươi. Khi đã 40 tuổi mới lấy chồng khác và vinh quang thay, bà là mẹ của Trần Bình Trọng, một vị danh tướng đời nhà Trần, khi bị giặc bắt và dụ dỗ nếu đầu hàng sẽ được trọng dụng. Trần Bình Trọng đã khảng khái mà nói với giặc: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”.
Ở quận 6, đường Lý Chiêu Hoàng gần hai tháng sau thì tôi bị đau lưng, vai dữ dội. Các cạo gió cho tôi nhưng không khỏi. Anh Mười Triết bảo đưa tôi vào một Trạm xá số 371, đường Lục Tỉnh. Vào rồi tôi mới biết đây chính là Nhà bảo sanh, nhưng xũng có giường nằm và thuốc. Ngoài những nhân viên cũ, có bà giám đóc và cô y tá giải phóng, nên tôi cảm thấy yên tâm. Ở đây, tôi quen Nga, cô y tá phụ trách phòng xét nghiệm. Chúng tôi thân nhau nhiều năm sau... Ngay lúc đó Nga cho tôi biết bị “tràn dịch màng phổi” (phổi bị dập, hậu quả của những trận bom liên tiếp trong năm 1972. và có ký sinh trùng sốt rét trong máu.
Tạm biệt nơi đây tôi về đơn vị và vào điều trị tại Y Viện Cộng Hoà (Viện 175 bây giờ).
39 năm qua, tôi ít có dịp vào quận 6. Sau này tôi có hỏi thăm nhà thơ Lê Tú Lệ, Phó Ban Tuyên giáo Thành uỷ, nguyên là Trưởng phòng Tư pháp quận 6, mới biết anh Mười Triết làm Phó chủ tịch quận. Cách đây mấy năm, hay tin anh Mười mất, tôi có đén thăm gia đình, gặp và chia buồn với vợ anh ở gần vòng xoay Phú Lâm.
Tôi tạt vào một quán cafe bên đường Lý Chiêu Hoàng đã được mở rộng với hai chiều đi ngược nhau, như một đại lộ thênh thang.
Lòng tôi rưng rưng và bồi hồi...
Nhà văn Hoàng Đình Quang và nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán - Ảnh NT
Nhà văn Hoàng Đình Quang sinh năm 1951,quê quánở xã Đắc Sơn, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.Ông tham gia bộ đội chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ thời chống Mỹ. Sau ngày đất nước thống nhất, ông về Thành phố Hồ Chí Minh công tác báo chí và xuất bản, từng là Trưởng chi nhánh phía Nam của Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Trước khi gặt hái những thành công với văn xuôi, Hoàng Đình Quang được biết đến với tư cách nhà thơ xuất hiện nhiều trên báo chí và qua tập thơNói thầm. Nhà văn Hoàng Đình Quang hiện là Ủy viên Ban Chấp hành, Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minhkhoá 8. Chi hội trưởng của Hội Nhà văn Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. |