Mặc dù tàu hỏa chạy trên những tuyến đường sắt riêng biệt nhưng tai nạn giao thông đường sắt vẫn xảy ra và để lại hậu quả nặng nề. Có rất nhiều vụ va chạm giữa xe khách, ô tô du lịch, ô tô đi đám cưới… với tàu hỏa làm chết nhiều người, không chỉ với người đi ô tô, xe máy mà cả với hành khách đi tàu hoặc nhân viên tàu.Chỉ trong vòng bốn tháng đầu năm 2015 cả nước có gần 170 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 67 người, bị thương 108 người. Bên cạnh thiệt hại về người, có những vụ tai nạn gây thiệt hại vật chất đến hàng chục tỉ đồng.
Hầu hết các tai nạn này đều xảy ra ở các điểm giao cắt giữa đường ngang dân sinh tự phát với đường sắt, không có người canh gác, cảnh giới… Theo thống kê, tuyến đường sắt chạy qua 34 tỉnh, thành giao cắt với gần 4.850 đường ngang dân sinh. Ngành đường sắt cho rằng có đến khoảng 80% là vì người dân “không nghĩ tới nguy cơ”, tự mở đường cắt ngang đường sắt một cách tùy tiện.
Nhận định trên có thể đúng. Bởi lẽ trong nhiều tình huống va chạm với xe lửa là lỗi đến từ những người lái ô tô, xe máy. Họ thiếu quan sát, chủ quan, thậm chí lái xe cố băng ngang đường sắt khi tàu đang lao đến.
Nhưng có lẽ các vụ tai nạn gây xót xa dư luận sẽ giảm thiểu rất nhiều nếu hệ thống thông tin tín hiệu, hệ thống cảnh báo, gác chắn đường ngang đường sắt an toàn và tín hiệu thông tin, thiết bị quan sát hỗ trợ cho lái tàu không quá thiếu, lại lạc hậu như hiện nay.
Hiện trạng này đã được ngành đường sắt, Bộ GTVT nhận diện và đưa ra kế hoạch giải quyết. Tuy nhiên, sự vào cuộc của các ngành chức năng thật sự chưa mạnh mẽ và quyết liệt. Cái việc gọi là “chủ động phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động hay xử phạt” người dân trong những năm qua vẫn chưa hiệu quả và va chạm giữa đường bộ - đường sắt vẫn diễn ra rất nóng.
Thiết nghĩ ngành đường sắt cần xem lại cách quản lý, Bộ GTVT nên xem lại việc chỉ đạo thực hiện theo hướng gấp rút đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống đường sắt quốc gia. Có vậy mới mong đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân một cách an toàn, thuận lợi và giảm thiểu các nỗi đau xảy ra ở các đường ngang dân sinh.
MINH PHONG