Ecuador: Biểu tình lớn, Quốc hội bị chiếm, chính phủ tháo chạy

Gần cả tuần nay, quốc gia châu Mỹ Ecuador chìm trong biểu tình phản đối các chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ Tổng thống Lenin Moreno. Tính tới giờ, người biểu tình đã phong tỏa 84 tuyến đường ở 21 tỉnh trong cả nước, theo tin từ nhật báo El Telegrafo.

Trụ sở Quốc hội bị chiếm

Ngày 8-10, biểu tình đặc biệt nghiêm trọng khi quy mô biểu tình ở thủ đô Quito tăng cao, người biểu tình chiếm trụ sở Quốc hội nước này và khiến các thành viên nội các chính phủ phải tháo chạy khỏi thủ đô, báo SCMP dẫn thông tin từ truyền thông địa phương cho biết.

Biểu tình ở thủ đô Quito (Ecuador) ngày 8-10 phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng của Tổng thống Lenin Moreno. Ảnh: REUTERS

Khoảng 10.000 thổ dân từ nhiều địa phương mang theo gậy gộc, cờ, roi da, biểu ngữ đổ về thủ đô Quito. Người biểu tình phóng hỏa trên đường phố, xung đột với cảnh sát và kéo về trụ sở Quốc hội.

Một nhóm người biểu tình đã xâm nhập và chiếm được trụ sở Quốc hội. Thời điểm bị người biểu tình chiếm, trụ sở Quốc hội đang trống, không có nghị sĩ họp bên trong. Một lúc sau, cảnh sát và binh sĩ đã dùng đạn cay đuổi được số người biểu tình này ra khỏi trụ sở.

Người dân Ecuador đang bất mãn chuyện chính phủ bỏ chính sách trợ giá nhiên liệu cũng như có nhiều chính sách kinh tế mà họ cho là không phù hợp.

Chính sách trợ giá nhiên liệu đã tồn tại ở Ecuador 40 năm nay. Mới đây, chính phủ Ecuador bỏ chính sách này theo thỏa thuận vay 4,2 tỉ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Ngoài thống nhất bỏ trợ giá nhiên liệu, Ecuador còn hứa với IMF phải cải cách thuế và luật lao động.

Cờ quốc gia Ecuador ở thủ đô Quito (Ecuador) ngày 8-10. Ảnh: REUTERS

Lý lẽ của chính phủ là trợ giá nhiên liệu làm khó cho kinh tế nước này; và bỏ chính sách này sẽ giúp chính phủ thu thêm được hơn cả tỉ USD mỗi năm.

Chính sách này bị bỏ khiến giá nhiên liệu tăng hơn gấp đôi. Bộ Năng lượng Ecuador cho biết sản lượng khai thác của nhiều giếng dầu ở nước này đã giảm tổng cộng 65.000 thùng/ngày vì bị người biểu tình chiếm các cơ sở dầu.

Chính phủ đề nghị đối thoại với các thủ lĩnh thổ dân, tuy nhiên vẫn khẳng định sẽ không đảo ngược quyết định bỏ trợ giá nhiên liệu.

Tính tới nay, đã có gần 600 người bị bắt nhưng phần lớn đã được thả. Chính phủ Ecuador tuần trước đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, cho phép cấm một số hoạt động dân sự để khôi phục trật tự.

Tổng thống đưa bộ máy chính phủ tháo chạy khỏi thủ đô

Tối trước đó, bất ổn đã khiến Tổng thống Ecuador Lenin Moreno phải quyết định di chuyển bộ máy chính phủ đến TP cảng Guayaquil và tổ chức họp ở đây.

Phát biểu trên truyền hình quốc gia khuya 7-10, ông Moreno nói chính phủ đang đối mặt với đe dọa an ninh nghiêm trọng và sẽ hoạt động ở TP Guayaquil thay vì ở thủ đô Quito. Đứng sau lưng ông Moreno lúc ông này phát biểu là nhiều chỉ huy quân sự, hình ảnh thể hiện sự ủng hộ của quân đội với chính phủ của ông Moreno.

Tổng thống Ecuador Lenin Moreno (giữa) chụp ảnh với người ủng hộ ở TP cảng Guayaquil (Eduador) ngày 8-10. Ảnh: AFP

Ông Moreno nói mình là mục tiêu của một âm mưu đảo chính nhưng tuyên bố sẽ không thay đổi quyết định bỏ trợ giá nhiên liệu.

Ông Moreno cáo buộc người tiền nhiệm cánh tả Rafael Correa cùng với sự hỗ trợ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đang cố gây bất ổn Ecuador.

Vài tháng gần đây, quan hệ giữa hai ông Correa và Moreno không được tốt. Hai ông nhiều lần đưa ra các cáo buộc tham nhũng với nhau. Ông Correa còn nói ông và các đồng minh của ông là nạn nhân của khủng bố chính trị.

Người biểu tình phóng hỏa tại thủ đô Quito (Ecuador) ngày 8-10, phản đối các chính sách kinh tế của Tổng thống Lenin Moreno. Ảnh: AP

Ecuador là một trong hàng chục nước công nhận lãnh đạo đối lập Juan Guaido là tổng thống hợp pháp của Venezuela và kêu gọi ông Maduro ra đi.

Chính phủ Venezuela chưa bình luận về cáo buộc của ông Moreno. Trong khi đó, ông Guaido tuyên bố đồng tình với cáo buộc của ông Moreno rằng ông Maduro đang cố gắng gây bất ổn ở Ecuador.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới